Ngày 25-3, trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại
Sáng 14-3, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và chốt ngày thu phí trở lại đối với trạm BOT Cai Lậy (QL1, Tiền Giang). Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chốt ngày thu phí chính thức trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy là 25-3 tới.
Để chuẩn bị cho công tác thu phí trở lại lần này, Thứ trưởng giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Chi cục Đường bộ IV cùng Sở GTVT tỉnh Tiền Giang khẩn trương rà soát tổng thể việc in vé, biển báo…
Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Đường Bộ VN chỉ đạo nhà đầu tư khẩn trương lắp đặt hoàn chỉnh 4/8 làn thu phí tự động không dừng (hiện nhà đầu tư đã lắp xong 2/8 làn) để hoàn chỉnh 6/8 làn thu phí tự động khi BOT Cai Lậy hoạt động trở lại. Còn hai làn thu phí chưa lắp đặt nhằm phục vụ một số trường hợp tài xế chưa biết hoặc chưa được mua thẻ.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy trên QL1.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng giao cho doanh nghiệp dự án phối hợp cùng chính quyền địa phương và ngành chức năng khẩn trương rà soát các trường hợp phương tiện nằm trong vùng lân cận thuộc phạm vi được miễn, giảm phí. Đồng thời, ông đề nghị công an địa phương đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự tại khu vực trạm và trên tuyến QL1 khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại và yêu cầu doanh nghiệp bố trí đầy đủ xe cứu hộ, xe cứu thương tại khu vực trạm phòng khi có trường hợp bất trắc xảy ra.
Phương án thu phí được áp dụng là giữ nguyên trạm thu phí BOT Cai Lậy như hiện nay, giảm giá tối đa chung cho các phương tiện qua trạm. Các loại xe nhóm 1 giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt (tương ứng giảm 57%)… Mức giá vé lượt, vé tháng và vé quý áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm 40%-60% và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận đến khoảng 10 km. Theo tính toán với phương án này, thời gian thu phí của dự án là khoảng 15 năm chín tháng, trong khi phương án thu phí trước đây chỉ bảy năm.
Cũng tại cuộc họp, báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT về công tác chuẩn bị, ông Lưu Văn Hào, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang, cho biết hiện doanh nghiệp dự án đang cùng chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục, miễn, giảm giá cho các phương tiện theo quy định.
Đại diện nhà đầu tư báo cáo với Bộ GTVT về công tác chuẩn bị trước khi thu phí trở lại.
Ông Hào cho biết đến thời điểm này, công ty cũng đã hoàn thiện các hệ thống đảm bảo an toàn giao thông, biển báo, đèn tín hiệu tại khu vực trạm theo yêu cầu. Về công tác duy tu, bảo trì mặt đường hư hỏng trên toàn tuyến đã hoàn thành từ trước Tết nguyên đán.
“Công ty đã in vé, chuẩn bị sẵn sàng nhân viên phục vụ việc thu phí tại trạm, chuẩn bị đầy đủ xe cứu hộ trước khi tổ chức thu phí trở lại, ít nhất sẽ có hai phương tiện xe cứu hộ tại khu vực trạm” - ông Hào thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Cục Đường bộ VN, cho biết để đảm bảo an ninh trật tự khu vực trạm khi tổ chức thu phí trở lại, nhà đầu tư đã lên tất cả phương án và được thông qua với công an địa phương. Ông Cường yêu cầu nhà đầu tư nên lắp camera tại khu vực trạm và khu vực cách bán kính trạm 1 km, camera này sẽ được truyền trực tiếp về các lãnh đạo theo dõi tình hình an ninh khu vực trạm và trên tuyến.
Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, lo ngại việc thu phí trở lại sẽ gây mất an ninh trật tự. Sau cuộc họp, công an tỉnh sẽ xin ý kiến Bộ Công an để tổ chức cuộc họp triển khai phương án, đồng thời đề nghị Tổng cục Đường Bộ bố trí lực lượng, xử lý các tình huống xảy ra tại khu vực trạm. Dự kiến công an tỉnh sẽ huy động trên 250 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh tham gia giữ gìn trật tự tại khu vực trạm trong những ngày đầu hoạt động.
Trạm BOT Cai Lậy đi vào hoạt động ngày 1-8-2017. Nhiều tài xế phương tiện đã phản ứng, sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự vì cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt không đúng vị trí.
Từ ngày 4-12-2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí chờ phương án xử lý của Chính phủ cho đến nay.