|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành tôm sẽ khó khăn nửa đầu năm 2024

08:30 | 18/03/2024
Chia sẻ
Ngoài khó khăn về giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ngành tôm còn gặp khó khăn liên quan đến dịch bệnh tôm và đơn hàng không như thời hoàng kim.

Tổng cục Thủy sản dẫn thông tin từ Undercurrent News cho biết Việt Nam vẫn duy trì là nguồn cung tôm lớn thứ tư cho Mỹ vào tháng 1, xuất khẩu 3.688 tấn trị giá 35,7 triệu USD, nhưng giảm 5% về khối lượng và giảm 12% về giá trị so với cùng kỳ.

Giá trung bình vào tháng 1 dựa trên Cổng Thương mại của UCN, là 4,46 USD/pound, giảm 9% so với mức trung bình 4,91 USD/pound được trả một năm trước đó và giảm 2% so với mức trung bình 4,55 USD/ pound một tháng trước đó.

Tổng xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú của Việt Nam đã tăng vọt so với cùng kỳ trong tháng 1, mặc dù điều này chủ yếu là do dịp Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng 2 năm nay thay vì tháng 1 như năm 2023.

Các chuyên gia đều dự đoán nửa đầu năm 2024 sẽ khó khăn. Một chuyên gia nói với Undercurrent: “Ngành tôm ở Việt Nam sẽ có một chút biến động trong năm nay. Có rất nhiều tiềm năng để người dân chuyển sang mua tôm từ Ecuador và Ấn Độ, thực tế điều này đã và đang diễn ra”.

Ngoài khó khăn về giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta mới đây đề cập đến khó khăn liên quan đến dịch bệnh tôm và đơn hàng không như thời hoàng kim.

"Dịch bệnh tôm hiện rất trầm trọng, chủ yếu do vi khuẩn tấn công trên diện rộng. Thực trạng hiện nay là người nuôi thiếu vốn, trong khi đó các nhà đầu tư ngại rủi ro nên chưa mạnh tay đầu tư. Với tình hình này, mùa tôm mới sẽ khởi động chậm một tháng so với thông thường.  

Với khối doanh nghiệp chế biến, họ đang cầm cự vì đơn hàng không như thời hoàng kim. Hiện giá tôm thương phẩm tuy không cao, nhưng vẫn còn cao so với giá bán. Trong khi đó, giá tôm thế giới đang quá rẻ, rẻ hơn tôm Việt Nam hơn 1 USD trên một cân tôm thương phẩm. Tính toán cho thấy, giá tôm thành phẩm chênh lệch hơn 1,5 USD, như vậy quá khó để tìm đơn hàng", ông nói.  

Trong khi đó, tình hình các thị trường lớn cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Nhật Bản, đồng yen mất giá kỷ lục. Tình hình này khiến sức mua không thể mạnh như trước.

Thị trường lớn nhất là Mỹ cũng đối mặt một số trở ngại. Theo ông Hồ Quốc Lực, khó khăn lớn nhất là vụ kiện chống trợ cấp (CVD) đang được phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra sơ bộ. Ngay sau đó, nhiều khả năng bên nguyên đơn sẽ hâm nóng lại vụ kiện chống bán phá giá (AD).

Ở Tây Ban Nha, tôm Việt cũng gặp khó, thể hiện rõ nhất ở mức tiêu thụ giảm mạnh trong năm 2023. Nguyên nhân do tôm giá rẻ của Ecuador chiếm lĩnh thị trường này. Họ có lợi thế là giá rẻ, đáp ứng xu thế người tiêu dùng, cụ thể là tôm có chứng nhận nuôi ASC, chi phí vận chuyển cũng thấp hơn.           

Anh Đào

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.