|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành tôm lại 'đỏng đảnh' vì giá

14:31 | 05/06/2018
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu liên tiếp sụt giảm, ngày 3.6 tại Bạc Liêu, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững. Thêm một lần nữa, câu chuyện giảm giá thành, xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm được các đại biểu rất quan tâm.
nganh tom lai dong danh vi gia

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.Ảnh: NHẬT HỒ

Trong bối cảnh giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu liên tiếp sụt giảm, ngày 3.6 tại Bạc Liêu, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững. Thêm một lần nữa, câu chuyện giảm giá thành, xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm được các đại biểu rất quan tâm.

Cảnh báo về giá

Báo cáo của Tổng Cục thủy sản cho thấy, các tỉnh ven biển phía Nam chính thức bước vào mùa tôm. Đến cuối tháng 5, cả nước đã xuống giống trên 636.858ha, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 54.500ha, bằng 116% và tôm sú chiếm 582.358ha, bằng 101% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch lên đến 195.748 tấn, bằng 111% so với cùng kỳ.

Có thể nói rằng, con tôm năm 2018 có nhiều thuận lợi, ít dịch bệnh, diện tích và sản lượng đều tăng. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến cuối tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng (chủ yếu cỡ 80 - 100 con/kg) giảm đáng kể, tại ĐBSCL có địa phương giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Với giá này đã đưa giá bán ra tiệm cận với giá thành sản xuất. Cá biệt, có một số nơi đã thấp hơn giá thành, điều này khiến cho người nuôi đối mặt với thua lỗ. Nguyên nhân được Tổng cục Thủy sản nhận định, do lượng tôm thẻ tại Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador đang dồi dào.

Đồng quan điểm này, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe phân tích thêm: “Do Ấn Độ, Thái Lan trúng mùa, nhưng không có kho lạnh để dự trữ nên bán tháo ra thị trường với giá rẻ. Mặt khác, do Ấn Độ bị vướng rào cản xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu nên nước này tìm các thị trường khác để bán. Lượng tôm lưu kho của Mỹ, Trung Quốc còn nhiều, chính vì vậy, giá tôm các nước này giảm, thậm chí giảm dưới giá thành làm cho thị trường tôm thẻ chân trắng giảm theo, ảnh hưởng đến Việt Nam”.

Đại diện Bộ Công thương cũng cảnh báo các DN xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Bởi nhiều khả năng, các nước nhập khẩu qua đường này sẽ có những rào cản trong thời gian tới.

Không quá bi quan về giá, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định: Tổng nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu đến năm 2020 đạt 6,55 triệu tấn, trong khi nguồn cung khoảng 4,49 triệu tấn, vẫn còn thiếu hụt 2 triệu tấn. Hiện nay, giá tôm đã chững lại, khả năng sẽ không giảm mà tăng vào những tháng cuối năm.

Hoạch định lại ngành tôm

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến ngành tôm. Thực tế, trong 2 năm qua, ngành tôm có bước tăng trưởng khá và khả năng sẽ tăng trưởng mạnh nếu như hoạch định lại ngành tôm để phát triển. Các đại biểu cho rằng, về lâu dài, cần phải hạ giá thành sản phẩm tôm. Muốn vậy, phải giảm từ khâu con giống, hạ tầng, đến xây dựng kho, chế biến xuất khẩu.

Băn khoăn về giá các loại hóa chất và thuốc phục vụ ngành nuôi tôm làm đội giá thành sản xuất, đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II nêu thực trạng: “Cần phải tổ chức sao cho người mua chủ động không thông qua trung gian quá nhiều mà mua từ Cty để được giá thấp hơn. Thông thường hóa chất/thuốc có hiệu quả cao thì chiết khấu cho đại lý thấp và ngược lại thuốc hiệu quả thấp chiết khấu cao. Điều này hấp dẫn đại lý hơn, nhưng lại làm đội giá thành sản xuất”.

Liên quan đến chi phí xây dựng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cũng nêu thực tế cần suy nghĩ: “Nhà màng kính vốn đầu tư rất lớn, từ 7 - 9 tỉ đồng/ha làm tăng chi phí khấu hao của giá thành tôm và sản xuất mà chỉ giải quyết được 1 vấn đề hạn chế lây lan mầm bệnh virus. Trong khi đó, bệnh do vi khuẩn vẫn xảy ra”.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú - cho rằng, đã đến lúc phải tuyệt đối chú ý sản phẩm làm ra hướng đến thị trường chứ không phải đi bán những gì mình có. Ông Quang phân tích: “Thị trường vẫn cần loại 30 - 50 con/kg và thực tế giảm không nhiều, trong khi đang thừa loại 80 - 100 con/kg, nên DN khó có thể mua với giá cao”.

Tháo gỡ từng phần trong chuỗi giá trị con tôm Việt được Bộ NNPTNT đặc biệt chú ý. Những khó khăn về giá là cơ sở để các ngành, địa phương nhìn lại mình để giảm bớt chi phí nhằm tăng cường sức cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm về giá và chất lượng sản phẩm.

Xem thêm

Nhật Hồ

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.