|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty tôm kín tiếng lãi vượt Minh Phú, Fimex, Camimex

11:39 | 01/04/2024
Chia sẻ
Stapimex dù chứng kiến lợi nhuận giảm 12% còn 490 tỷ đồng vẫn đứng đầu ngành tôm, thu nhập trên mỗi cổ phần EPS vẫn vượt trội với gần 70.000 đồng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, CTCP Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) ghi nhận doanh thu thuần giảm sút 10% về khoảng 7.100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 12% còn 490 tỷ đồng. 

Hiện công ty thủy sản này có vốn điều lệ khiêm tốn trong ngành với 77,5 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu dày dặn 2.613 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đóng góp chủ yếu bởi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hơn 995 tỷ), thặng dư vốn (hơn 109 tỷ) và Quỹ đầu tư phát triển (1.453 tỷ đồng).

Doanh nghiệp theo đó có tỷ suất sinh lợi vượt trội so với phần lớn các công ty trên sàn chứng khoán với EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) gần 70.000 đồng. Giá trị sổ sách (BV) trên mỗi cổ phiếu cũng đạt gần 370.000 đồng. 

Tổng tài sản đến cuối năm đạt hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó khoản tiền và tương đương tiền cao đột biến gấp 65 lần đầu kỳ lên 785 tỷ đồng. Stapimex vẫn duy trì chính sách không vay nợ dài hạn, nhưng công ty lại đẩy mạnh vay ngắn hạn lên 720 tỷ đồng trong năm qua. 

 Nguồn: HL tổng hợp.

Dù kết quả kinh doanh đi xuống trong năm 2023 nhưng Stapimex lại một lần nữa trở lại vị thế công ty kinh doanh hiệu quả nhất ngành tôm. Năm 2020, công ty có trụ sở ở Sóc Trăng này cũng từng đứng đầu về lợi nhuận ngành tôm nhưng sau đó bị Minh Phú vượt mặt. 

Sự trở lại của Stapimex chủ yếu do các công ty xuất khẩu tôm khác gặp nhiều khó khăn trong năm kinh doanh vừa qua. Chẳng hạn, Minh Phú (MPC) dù đứng về doanh số nhưng bất ngờ báo lỗ 105 tỷ đồng. Thực phẩm Sao Ta (Fimex - FMC), Thuận Phước (THP) hay Camimex (CMX) đều chứng kiến lợi nhuận đi xuống. 

Chỉ số tài chính của Stapimex vượt trội hơn các doanh nghiệp khác bởi không theo đuổi mô hình đầu tư mạnh để xây dựng các vùng nuôi rộng lớn như Minh Phú hay Fimex, mà chủ yếu liên kết để thu mua về chế biến.

Thực tế, Minh Phú đầu tư rất lớn để sở hữu vùng nuôi rộng hàng ngàn ha, nhà máy thức ăn và nơi sản xuất giống với mô hình khép kín. Fimex cũng huy động vốn từ nhà đầu tư và vay nợ để mở rộng vùng nuôi nhằm tăng tính tự chủ nguyên liệu...

Trong khi Stapimex chỉ có một vùng nuôi rộng 70ha. Lãnh đạo công ty từng cho biết khoảng 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho hai xí nghiệp đến từ mối liên kết với sáu hợp tác xã và gần 60% còn lại được thu mua bên ngoài.      

Vị thế các công ty tôm lớn ngành. Nguồn: HL tổng hợp. 

Thành lập vào năm 1978, Stapimex đang là một trong những công ty nuôi trồng thủy hải sản hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm tôm xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Canada, Nhật Bản...

Theo giới thiệu, công ty có trụ sở ở Sóc Trăng này có 2 nhà máy chế biến, cung cấp hơn 20.000 tấn sản phẩm mỗi năm, có hơn 40 đối tác trên thế giới. 

Kinh doanh sinh lời cao giúp Stapimex có điều kiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Suốt 6 năm giai đoạn 2015 – 2019, công ty thủy sản đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%. Sang giai đoạn 2020 - 2022, con số này được tăng lên 100%. 

Huy Lê