|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành thép 4 tháng sản xuất tiêu thụ đều tăng trưởng khá

07:24 | 14/05/2018
Chia sẻ
Mặc dù thị trường thép trong nước gặp nhiều áp lực từ thị trường đến rào cản xuất khẩu từ các nước đưa ra… nhưng với sự nỗ lực, tăng cường mở rộng thị phần của các doanh nghiệp, trải qua 4 tháng đầu năm 2018 ngành thép trong nước đã đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.
nganh thep 4 thang san xuat tieu thu deu tang truong kha

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp (DN) là thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã sản xuất được 3.691.672 tấn thép thô. Trong đó, tiêu thụ đạt 3.858.953 tấn.

Đối với thép thành phẩm các loại sản xuất đạt 7.594.534 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt 6.698.893 tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 38,8% so với 4 tháng năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt 1.568.826 tấn, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu tính riêng mảng thép xây dựng, 4 tháng đầu năm 2018 tiêu thụ nằm trong top 5 DN mạnh nhất phải kể tới Thép Hòa Phát, chiếm tới 23,29%; Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) chiếm 18,57%; thép Posco SS vina chiếm 9,85%; thép Việt (Pomina) đạt 9,62%; thép Vinakyoei chiếm 7,32%.

Đối với mảng ống thép hàn, 4 tháng đầu năm sản xuất đạt 742.405 tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Và, tiêu thụ đạt 735.192 tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 107.951 tấn, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Con số tiêu thụ tăng trưởng đó dẫn đầu vẫn là ống thép Hòa Phát với 27,37%; tiếp đó là ống thép Hoa Sen với 17,20%...

Ngoài ra, đối với mảng tôn mạ kẽm và sơn phủ màu, 4 tháng đầu năm 2018 các DN sản xuất đạt 1.476.366 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tiêu thụ đạt 1.191.852 tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu 608.268 tấn, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Nói về tiêu thụ tôn, nằm trong Top đầu vẫn phải kể tới tôn Hoa Sen, tiêu thụ chiếm tới 35% thị phần; tiếp đó là tôn thép Nam Kim với 15%; tôn Đông Á với 13%...

Đối với tình hình xuất, nhập khẩu, tính đến hết tháng 3/2018, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 3,1 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 28,9% về lượng và giảm 14,7% về giá trị.

Đáng chú ý, thị trường Việt Nam nhập khẩu lớn nhất vẫn thuộc về Trung Quốc, chiếm khoảng 36% so với tổng sản phẩm thép thành phẩm nhập khẩu.

Về xuất khẩu, tính tới hết tháng 3/2018, Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm đạt trên 1,43 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,04 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 57% về giá trị. Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu đạt trên 834.000 tấn thép, chiếm trên 50% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu; tiếp đó là Hoa Kỳ khoảng 15,17%; EU 9,79%; Đài Loan 3,9%; Hàn Quốc 3,6%...

Theo đánh giá tổng hợp và nhận định của một số chuyên gia ngành thép, sản lượng sản xuất và bán hàng trong 4 tháng đầu năm 2018 đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2017. Song, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm thép điều chỉnh tăng từ quý I/2018 đến nay, nhưng giá bán các sản phẩm thép trong nước về mặt bằng chung gần như vẫn giữ được mức ổn định, thậm chí trong tháng 4 có thời điểm còn giảm từ 50-200 đồng/kg và đến nay vẫn duy trì đều.

Nhận định về xuất khẩu, mặc dù thời gian qua việc xuất khẩu các sản phẩm thép của các DN gặp phải những rào cản thương mại từ các nước đưa ra nhưng vẫn duy trì khá. Tuy nhiên, thời gian tới đây việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định bởi các nước đã và đang tiếp tục khởi sướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam. Chính vì vậy, các DN trong nước - là những đơn vị trước đây có đơn hàng xuất khẩu mạnh nay đã chủ động tìm cho mình thêm những thị trường mới và đặc biệt chú trọng tới thị trường tiêu thụ trong nước để giữ vững ổn định sản xuất, doanh thu và việc làm cho người lao động.

Kim Tuyến