Ngành tài chính tiêu dùng: Loay hoay thu hồi nợ đúng pháp luật
Sau một loạt động thái kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thu hồi nợ phản cảm từ phía cơ quan chức năng, việc cho vay và thu hồi nợ như thế nào để đúng quy định pháp luật đang là vấn đề đặt ra đối với các tổ chức tín dụng, công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Vấn đề này được nhiều đại biểu đề cập tại Tọa đàm Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật, do Báo Người Lao Động tổ chức tại TP HCM ngày 20/4.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM, đơn vị vừa nhận được báo cáo của 10/12 hội viên là các công ty tài chính tiêu dùng. Qua tổng hợp các báo cáo thực trạng hoạt động, các hội viên đã thực hiện và tuân thủ khá nghiêm túc về lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bao gồm cả các quy định chi tiết về quy trình cho vay, lãi suất, văn hóa thu hồi nợ…
Tuy nhiên, có 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, đến nay vẫn chưa có kết luận. Hiện cả nước có 16 công ty được Ngân hàng nhà nước cấp phép trong khi các ứng dụng (app) cho vay không được cấp phép rất nhiều.
Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến những công ty tài chính chính thống, khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận và ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen.
Trong khi đó, hoạt động cho vay và thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng trong quý I/2023 ghi nhận tăng trưởng thấp, có công ty sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn 2016-2022, khi các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19-20%/năm, chiếm 14-15% tổng dư nợ chung.
Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do đội ngũ nhân viên nghỉ việc nhiều, khó tuyển dụng do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội. Do khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn, chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại.
Không chỉ riêng các công ty tài chính tiêu dùng, một số ngân hàng đang đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân cũng đang gặp không ít khó khăn.
Bà Văn Thái Bảo Nhi, Giám đốc cấp cao, phụ trách xử lý nợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết: Theo xu hướng chung, thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam ngày càng phát triển. Một bộ phận giới trẻ cũng tìm tới vay tiêu dùng ngày càng nhiều. Đây là thị trường mà các ngân hàng thương mại và công ty tài chính hướng đến.
Tuy nhiên, giai đoạn hậu COVID-19, khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn, khách hàng cá nhân cũng vậy khi thu nhập giảm sút, nhiều người có người có tài sản cho thuê gặp khó khăn phải xoay sở… Xu hướng nợ quá hạn, nợ xấu tăng, và đây là thực tế mà các công ty tài chính, ngân hàng đang phải đối diện.
“Đối với một số khách hàng không có khả năng trả nợ, chúng tôi buộc phải có biện pháp mạnh hơn như khởi kiện ra tòa. Dù vậy, quan điểm của chúng tôi là thu hồi nợ đúng quy định pháp luật, làm tự thân và không thuê dịch vụ thu hồi nợ từ bên thứ 3 để xử lý”, bà Văn Thái Bảo Nhi cho biết.
Ở góc độ công ty mua bán nợ, ông Ngô Xuân Duy, Giám đốc Pháp chế Công ty Mua bán nợ Việt Nam quốc tế cho biết: Các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ mới điều chỉnh trực tiếp tới các công ty tài chính tín dụng, còn các công ty mua bán nợ thì vẫn chưa có. Do đó, ông Duy kiến nghị cần có khung pháp lý rõ ràng hơn đối với hoạt động của các công ty mua bán nợ.
Theo ông Ngô Xuân Duy, có nhiều vấn đề công ty không biết nên xử lý như thế nào cho đúng quy định, như việc gọi điện nhắc nợ như thế nào là đúng?
“Chúng tôi cũng khởi kiện tại tòa án đối với khách hàng chây ỳ trả nợ, nhưng trong quá trình làm việc cũng khó khăn. Vì góc nhìn của cơ quan tố tụng chưa có cái nhìn có thiện cảm đối với phân khúc này, các công ty mua bán nợ phải giải trình khá nhiều dù họ khởi kiện theo đúng quy định”, ông Duy chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại diện công ty này cho biết, thời gian tiến hành tố tụng thường khá dài, từ 9-12 tháng với vụ án thông thường. Vì thế, với hàng ngàn hồ sơ, việc này khá khó khăn. Do đó, cần cơ chế phù hợp hơn đối với hoạt động thu hồi nợ.
Bởi thực tế, một số khách hàng dùng giấy tờ giả để vay, hành vi này có thể vi phạm về lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, cần cả ý thức trách nhiệm của khách hàng trong quá trình vay nhằm giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn, hạn chế thấp nhất hành vi lừa đảo.
Đối với vấn đề thu hồi nợ, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng muốn thu hồi nợ đúng luật phải có quy định pháp luật đầy đủ. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện quy định rất rõ ràng về vấn đề đốc thúc thu hồi nợ, không được gọi điện thoại sau 21 giờ, không gọi quá 5 lần trong 1 ngày… Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định không được đe dọa khi thu hồi nợ, tuy nhiên thế nào là đe dọa thì lại chưa có quy định cụ thể.
“Đòi hỏi hoàn thiện khung pháp lý là có, nhưng quan trọng là con người thực hiện. Trong pháp luật của nhà nước cũng có quy định rất rõ ràng về đạo đức con người thu hồi nợ. Nợ khó đòi, tâm lý làm sao đòi được nợ, cần có nghiệp vụ bài bản và chuyên nghiệp”, Luật sư Trương Thị Hòa nêu vấn đề.
Tại tọa đàm, một số chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên chăng có mở sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng. Hiện ở Việt Nam đã có thị trường mua bán nợ doanh nghiệp do Công ty Quản lý tài sản (VAMC) quản lý và có sàn mua bán nợ riêng. Bộ Tài chính có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các ngân hàng thương mại cũng đều có công ty mua bán nợ.
Do đó, đối với thị trường lĩnh vực tài chính tiêu dùng, việc có một sàn giao dịch mua bán nợ tiêu dùng sẽ giúp các công ty tài chính, tổ chức tín dụng xử lý các khoản nợ vay chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, vấn đề là làm sao có công ty trung gian có thể đóng gói các khoản nhỏ từ 1 hoặc nhiều ngân hàng để đưa lên sàn; làm thế nào để việc chuyển nhượng tài sản thế chấp được thuận lợi, dễ dàng hơn… Đây là những vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ hơn nữa trước khi xây dựng sàn giao dịch mua bán nợ tiêu dùng.