|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành nào sẽ là điểm sáng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024?

08:00 | 23/11/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia phân tích của FiinGroup dự báo 7 nhóm ngành có điểm sáng tăng trưởng lợi nhuận năm tới đồng thời chỉ ra 4 ngành dự kiến ghi nhận bức tranh lợi nhuận tiêu cực.

Tại FiinPro Talk #8: Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024, chuyên gia phân tích của FiinGroup dự báo triển vọng lợi nhuận các ngành sản xuất, xuất khẩu và xây dựng hạ tầng dự kiến sẽ vượt trội trong năm tới.

Với nhóm xuất khẩu (thuỷ sản, dệt may), các chuyên gia phân tích nhận diện cơ hội của nhóm này đến từ nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc) dần hồi phục và các nhà bán lẻ tăng nhập khẩu. Song nhóm này cũng phải đối diện với rủi ro cầu hồi phục chậm hơn dự báo cùng sự cạnh tranh với các nguồn cung giá thấp từ Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh và rủi ro địa chính trị.

nhóm dầu khí, cơ hội năm tới sẽ đến từ giá dầu dự báo neo ở mức cao nhờ sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục (với động lực chính từ Trung Quốc nhờ nỗ lực nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng) và nguồn cung thắt chặt khi căng thẳng địa chính trị tiếp diễn. Tuy nhiên, nhóm dầu khí cũng có thể gặp phải rủi ro hoạt động sản xuất ở Trung Quốc hồi phục chậm và tăng trưởng toàn cầu chững lại.

Ngoài ra, ngành thép cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục xuất khẩu trong năm tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận nhờ biên cải thiện khi giá bán ra nhích lên nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc) biến động nhẹ hoặc đi ngang và sự tối ưu hàng tồn kho. Rủi ro của nhóm thép năm 2024 đến từ thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài và giá điện tăng.

Nhóm hoá chất cũng được kỳ vọng sẽ vượt trội năm 2024 nhờ cơ hội từ nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn toàn cầu dự báo sẽ tăng mạnh 20,2% trong năm 2024 nhờ xu hướng gia tăng sử dụng các sản phẩm AI và tồn kho máy tính/điện thoại sẽ trở về mức bình thường nửa cuối 2024.

Với ngành công nghệ thông tin, cơ hội sẽ đến từ tiến trình chuyển đổi số và xu hướng AI đang kích thích chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt ở lĩnh vực liên quan đến Cloud. Hơn nữa, doanh nghiệp IT trong nước có lợi thế chi phí thấp và đa dạng sản phẩm. Nhóm này cũng vấp phải rủi ro vĩ mô kém tích cực dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp hạn chế đầu tư mới đồng nghĩa với việc chi tiêu cho  công nghệ thông tin giảm.

Các chuyên gia phân tích của FiinPro cũng nhận định nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá năm tới nhờ kỳ vọng FDI vào Việt Nam cải thiện nhờ dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc và sự hồi phục ở dòng vốn từ các quốc gia truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng với giá cho thuê tăng do nguồn cung mới hạn chế

Song rủi ro của nhóm này là dòng vốn từ các quốc gia chủ đạo hồi phục chậm do môi trường lãi suất cao kéo dài và triển vọng kinh tế kém hơn dự báo cộng với trở ngại về pháp lý trong xây mới khu công nghiệp và thiếu nhân lực chất lượng cao, nguồn cung điện.

 Ảnh minh hoạ: Hạ Vũ.

Dự báo bức tranh lợi nhuận tiêu cực năm 2024

Bên cạnh các ngành được dự báo sẽ tươi sáng năm 2024 thì nhóm phân tích này cũng chỉ ra loạt ngành dự báo triển vọng lợi nhuận tiêu cực năm tới như ngân hàng, bất động sản dân cư, bán lẻ (ICT) và phân bón.

Với nhóm bán lẻ ICT, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng mảng kinh doanh điện máy - điện thoại được cho là đang ở giai đoạn bão hòa (riêng mảng điện máy còn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường nhà ở). Do đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ gây áp lực lên tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Còn với nhóm phân bón, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tác động tiêu cực lên hoạt động trồng trọt (đặc biệt là lúa gạo - chiếm 50% tổng diện tích gieo trồng ở Việt Nam). Vì vậy, dự báo sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón. Ngoài ra, giá bán phân bón 2024 được dự báo ổn định so với 2023 nhờ nguồn cung dồi dào.

Ở nhóm bất động sản dân cư, nhóm phân tích chỉ ra tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản nhà ở kéo dài hơn dự kiến do những điểm nghẽn về cơ chế pháp lý và nguồn vốn chưa được khơi thông (Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua…) sẽ tác động lớn lên triển vọng lợi nhuận 2024.

Ngoài ra, rất ít dự án nhà ở được cấp phép xây dựng hay mở bán; giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp không có biến động mạnh trong khi các chủ đầu tư đẩy mạnh chính sách chiết khấu có thể làm biên lợi nhuận thu hẹp.

HK

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.