|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành mía đường lao đao

07:48 | 07/12/2018
Chia sẻ
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường liên tục kêu lỗ. Mỗi lần như vậy họ đổ lỗi cho đường nhập lậu giá rẻ đã làm suy yếu ngành mía đường trong nước. Nhưng khi giá đường hạ xuống xấp xỉ với đường lậu thì tình trạng tiêu thụ vẫn không khả quan, có thời điểm đường tồn kho lên tới 700.000 tấn, tương đương một nửa sản lượng đường cả nước.

Nguyên nhân được xác định là cung đã vượt quá cầu, đặc biệt là công tác dự báo, quy hoạch đang gặp vấn đề lớn. Theo số lượng của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2017 - 2018, sản lượng mía được các nhà máy đưa vào ép là gần 15,2 triệu tấn, tương đương sản lượng đường gần 1,5 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện - RE là 631.485 tấn, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, các nhà máy đường vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là do trong niên vụ năm nay, giá đường liên tục giảm từ đầu vụ, với mức giảm tổng cộng tới 28%. Trong vài tháng gần đây, giá bán buôn trung bình đường kính trắng ở miền Bắc phổ biến từ 10.700 - 11.200 đồng/kg, miền Trung - Tây Nguyên từ 10.500 - 10.700 đồng/kg và TP HCM từ 10.600 - 11.200 đồng/kg.

Đến thời điểm này, hầu hết giá chào bán đường tại các nhà máy đã gần sát với giá đường lậu Thái Lan (khoảng 10.000 đồng/kg). Một số nhà máy đã phải chào bán đường với giá bán ngang hoặc thấp hơn một chút so với giá thành, nhưng việc tiêu thụ vẫn chậm.

Hiện nay, lượng đường tồn kho còn rất lớn. Đến cuối tháng 11, tồn kho tại các nhà máy đường là gần 700.000 tấn, gần bằng một nửa sản lượng đường cả nước. Gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ đường, cộng với hạn mức tín dụng của ngân hàng đã hết, nhiều nhà máy đang phải nợ nông dân trồng mía tới hàng trăm tỷ đồng.

Đề cập đến vấn đề khó khăn của ngành mía đường thời gian qua, nhiều người cho rằng, nguyên nhân quan trọng chính là việc dự báo và quy hoạch sản xuất còn yếu kém, bởi mức tiêu thụ thì không khó đoán, trong khi đường nhập lậu thì năm nào cũng có và tương đối ổn định. Do vậy, việc tồn kho lớn năm nào cũng diễn ra thực chất là nằm ở công tác dự báo, quy hoạch sản xuất.

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều DN mía đường lớn nhỏ đã tăng cường hợp tác, mua bán, sáp nhập, tìm kiếm sự đồng hành của nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, ngành đường trong nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để có thêm nhiều những cú bắt tay tương tự nhằm ổn định thị trường tiêu thụ, qua đó giúp ổn định sản xuất và ổn định được công tác nông nghiệp trồng mía.

Quốc Định

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.