|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành lương thực, thực phẩm dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2020

18:18 | 21/12/2019
Chia sẻ
Chi phí đầu vào tăng cao, sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng khiến doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nắm giữ thị phần ở thị trường nội địa.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và kế hoạch hoạt động năm 2020 của Hội lương thực thực phẩm TP HCM diễn ra ngày 20/12, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết chỉ số phát triển công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm 11 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 1,25% so với cùng kì 2018. 

Trong đó, sản xuất đồ uống tăng 7,38%, còn sản xuất chế biến thực phẩm lại có dấu hiệu giảm đáng kể so với 11 tháng năm 2018 khi giảm 2,28%. 

Sự giảm tốc độ phát triển này chủ yếu do nhóm chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 14,06% và nhóm ngành sản xuất mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự giảm 14,33%.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM cùng với chi phí đầu vào tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nắm giữ thị phần ở thị trường nội địa.

Tuy nhiên, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước và TP HCM vẫn duy trì ở mức tăng trưởng tốt so với cùng kì năm 2018.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2019 ước đạt 65,7 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 37,3 tỉ USD, tăng 3,6% so với cùng kì năm 2018 và nhập khẩu ước khoảng 28,5 tỉ USD, giảm 0,7%. 

Thặng dư thương mại đạt 8,8 tỉ USD, cao hơn 1,5 tỉ USD so với cùng kì 2018. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 41,3 tỉ USD và thặng dư thương mại ước khoảng gần 10 tỉ USD.

Ngành lương thực, thực phẩm dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2020 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm 2019 và kế hoạch hoạt động năm 2020 của Hội lương thực thực phẩm TP HCM diễn ra ngày 20/12. Ảnh: Như Huỳnh

Hiện tại, ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm tỉ trọng 26,09% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 17,6% trong toàn ngành sản xuất công nghiệp TP HCM.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm tại thành phố đang tập trung đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đề xuất TP HCM sớm có chính sách qui hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng kế hoạch qui hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành, nông dân, doanh nghiệp sản xuất và nhà quản lí…

Ông Trương Tiến Dũng nhận định với những khó khăn trong thời gian qua, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ còn gặp khó bởi ảnh hưởng của những biến động khó lường của kinh tế thế giới. 

Bên cạnh đó việc áp dụng các kí kết hợp tác kinh tế với các tổ chức kinh tế quốc tế như EVFTA, IPA, CPTPP... cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và thách thức mới cho doanh nghiệp Việt.

"Khó khăn trong năm tới là hầu hết các doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng cho những qui tắc và tiêu chuẩn mới. 

Sự thiếu hụt nguồn nhân công có tay nghề và cơ sở hạ tầng, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của thành phố nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm và hoạt động của Hội lương thực thực phẩm TP HCM", ông Dũng chia sẻ.

Ngành lương thực, thực phẩm dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2020 - Ảnh 2.

Sản xuất chế biến thực phẩm lại có dấu hiệu giảm đáng kể so với 11 tháng năm 2018 khi giảm 2,28%. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, bà Lý Kim Chi cho hay, trong năm 2020, FFA sẽ đẩy mạnh phát triển theo hướng ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm lực tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, tiếp tục quảng bá, gia tăng giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến những đối tác tiềm năng cũng như kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.

Cũng theo Chủ tịch FFA kinh tế TP HCM đã và đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Do đó, Hội sẽ chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi, nhà cung cấp và giới thiệu cho doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận.

Còn theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM, mục tiêu đặt ra đối với các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm, đặc biệt là doanh nghiệp trực thuộc FFA đang đóng gói sản phẩm bằng bao bì sử dụng một lần là cần nghiên cứu để thay đổi thành bao bì thân thiện môi trường trong thời gian tới.

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.