Ngành công nghiệp điện khổng lồ và bài toán về sự điều tiết
Theo uớc tính của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện khoảng 69 GW bao gồm cả các nhà máy thủy điện nhập khẩu từ Lào và điện mặt trời áp mái.
Ngoài ra hệ thống điện miền Bắc còn nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây truyền tải với tổng quy mô công suất cực đại khoảng 700 MW.
Còn trong cơ cấu công suất nguồn điện toàn quốc, năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 30%, thủy điện chiếm 30%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu chiếm 13%.
Tiếp theo là điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và nhập khẩu thủy điện Lào.
Đáng chú ý, trong cơ cấu điện sản xuất, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 50% với 123 TWh. Ngoài nguồn điện trong nước, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,93 tỷ kWh từ Trung Quốc và 1,14 tỷ kWh từ Lào.
Tuy nhiên, đánh giá về kết quả xây dựng nguồn điện, dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương cho hay trong khi tổng các nguồn điện chỉ đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% thì các nguồn năng lượng tái tạo lại vượt mức tới 205%.
Theo Bộ Công Thương giai đoạn 2016-2020 việc đầu tư nguồn điện được thực hiện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, do sự phát triển nóng của các nguồn năng lượng mặt trời vào các năm 2019 - 2020 nên tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống đạt tới 137% tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong giai đoạn này.
Tuy vậy, các nguồn điện truyền thống như than, khí, thủy điện – chủ yếu là nhiệt điện than vẫn tiếp tục có xu hướng chậm tiến độ như các giai đoạn trước.
Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận.
Ngoài ra, hầu hết dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch, nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2.
Các dự án chậm tiến độ phần lớn là các nhà máy nhiệt điện than với các lý do chính như thiếu vốn; khó khăn trong thu xếp vốn do hạn chế về trần nợ công nên việc thu xếp vốn cho các dự án điện không còn được Chính phủ bảo lãnh, dự án điện không nằm trong danh mục vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài.
Ngoài ra chậm trễ trong việc giao thiết bị; khó khăn trong đền bù và tái định cư; mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục vay vốn; khó khăn trong thi công xây dựng; các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án nguồn điện BOT kéo dài; năng lực và kinh nghiệm hạn chế của các nhà đầu tư…
Kết quả rà soát mới đây của Bộ Công Thương cho thấy tổng công suất các dự án điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW, đạt gần 72%.
Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.
Trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) lại thực hiện vượt quá mức quy hoạch do tác động từ chủ trương hỗ trợ giá để phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước.
"Điều này dẫn tới khó khăn trong cân đối cung cấp điện do số giờ vận hành tương đương của nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 so với số giờ vận hành tương đương của nguồn nhiệt điện truyền thống", Viện Năng lượng cho hay.
Theo đơn vị này, Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã đưa ra danh mục nguồn điện dự kiến sẽ được xây dựng và vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 để đảm bảo cung cấp điện toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.
Tuy nhiên so với quyết đinh Quyết định 428, đến nay đã có nhiều thay đổi về quan điểm phát triển của Chính phủ Việt Nam, khiến khối lượng nguồn năng lượng tái tạo đã được bổ sung thêm nhiều trong những năm gần đây.
Cụ thể, tổng công suất điện mặt trời quy mô lớn đã vào vận hành năm 2020 khoảng 9 GW, nguồn điện mặt trời áp mái khoảng 7,8 GW. Hầu hết các dự án năng lượng mặt trời tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam và ở phía Bắc gần như không có.
Do có cơ chế khuyến khích tốt nên các dự án điện mặt trời quy mô lớn đã thực hiện được tới hơn 80% khối lượng đã được bổ sung quy hoạch vào năm 2020.
Các dự án điện gió cũng hấp dẫn các nhà đầu tư do cơ chế khuyến khích của chính phủ cho việc phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam. Trong đó giá mua điện là 8,5 cent/kWh cho các dự án gió trên bờ bắt đầu hoạt động trước tháng 11/2021.
Đến tháng 12/2020, tổng công suất điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh là khoảng 13 GW, dự kiến vào hoạt động năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Theo Bộ Công Thương nhu cầu điện toàn quốc được dự báo gia tăng với tốc độ bình quân 8,5 - 9% mỗi năm trong giai đoạn 2021- 2025, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt đáng kể của nguồn điện trong những năm tới, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề cấp điện cho phụ tải của miền và vận hành hệ thống điện.
Do đó, việc phê duyệt bổ sung các nguồn điện mặt trời và điện gió tại khu vực miền Trung và miền Nam sẽ phần nào giảm bớt nguy cơ thiếu điện.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là sự phát triển quá nhanh của các nguồn điện mặt trời khiến việc đầu tư lưới điện truyền tải không thể đáp ứng tiến độ vào vận hành của các nguồn điện mặt trời.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 đã gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.
Còn theo báo cáo cập nhật ngành điện của bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI) năng lượng tái tạo sẽ làm tăng chi phí hệ thống điện quốc gia .
Cụ thể theo nhóm phân tích, giá bán trung bình (ASP) của nguồn điện truyền thống (thủy điện, khí đốt và nhiệt điện than) là khoảng 1.169 đồng/kwh.
Nếu so sánh FIT với giá bán trung bình, SSI có hai kịch bản sau. Thứ nhất, nếu sử dụng FIT hiện tại, khoản chi phí tăng thêm để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ước tính khoảng 12,7 nghìn tỷ đồng (tổng cộng 17,7 nghìn tỷ đồng bao gồm điện gió).
Thứ hai, nếu sử dụng FIT dự thảo (7 cents/kwh), khoản chi phí tăng thêm sẽ thấp hơn ở mức 7,8 nghìn tỷ đồng (tổng cộng 10,7 nghìn tỷ đồng bao gồm điện gió). Các tính toán này không bao gồm các loại thuế ưu đãi.
Với những phân tích trên, có thể thấy đây thực sự là một bài toán khó khăn trong việc điều tiết vận hành và cân đối các nguồn điện.
Do đó mà mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.
Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, EVN trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.