|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành cá tra bước vào giai đoạn giảm tốc, thị trường trông chờ vào Trung Quốc

18:32 | 27/07/2022
Chia sẻ
Thị trường cá tra bắt đầu có dấu hiệu giảm sút sau nhiều tháng tăng trưởng mạnh do nhu cầu của Mỹ chững lại. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực khác đến từ Trung Quốc khi thị trường này dần mở cửa trở lại sau quãng thời gian dài phong toả nhiều thành phố để chống dịch.

Những tín hiệu ban đầu của thị trường đi xuống

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ cuối quý II/2022 trở đi, tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ chậm dần ở một số thị trường.

Ngay từ tháng 6, những dấu hiệu chững lại của thị trường cá tra bắt đầu thể hiện rõ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm 20% xuống khoảng 200 triệu USD, theo tính toán từ số liệu của VASEP. Nếu so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm tới 35%. Đồng thời đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp. 

 Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP (Đức Quỳnh tổng hợp)

Một minh chứng khác cho sự giảm tốc của thị trường cá tra sau thời gian tăng trưởng nóng đó là kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong ngành. Mặc dù ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng quý II gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính riêng trong tháng 6, một số doanh nghiệp thậm chí lỗ sau thuế. 

Điển hình như CTCP Nam Việt (Mã: ANV), mặc dù lợi nhuận sau thuế trong quý II tăng tới 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính riêng trong tháng 6, công ty lỗ 2 tỷ đồng.

 Kết quả kinh doanh của Nam Việt trong quý II (Đức Quỳnh tổng hợp từ bản tin IR của Nam Việt)

Hay với Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, ghi nhận doanh thu giảm 2/3 tháng của quý II. Trong đó, doanh thu trong tháng 6 giảm mạnh nhất tới 30% so với tháng 5 xuống 1.063 tỷ đồng. 

Mỹ là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất cho Vĩnh Hoàn với tỷ trọng khoảng 50%. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường kéo doanh thu của công ty giảm mạnh nhất trong tháng 6 khi kim ngạch chỉ đạt 330 tỷ đồng, sụt giảm tới 59% so với tháng 5.  

 Số liệu: BCTC quý II và bản tin IR các tháng của Vĩnh Hoàn (Đức Quỳnh tổng hợp)

 

Trong số các thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, Mỹ đứng vị trí số 2 sau Trung Quốc - Hồng Kông với kim ngạch 356,4 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu, theo số liệu của VASEP. 

Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã bắt đầu chậm lại.

 Số liệu: VASEP (Đức Quỳnh tổng hợp)

VASEP cho biết theo nhận định của các nhà nhập khẩu, tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có cá tra tại Mỹ có dấu hiệu chững. Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. 

Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Tháng 6, giá thực phẩm tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trung bình năm lớn nhất kể từ năm 1981. Theo dữ liệu mới từ IRI và 210 Analytics, giá cá tra tại Mỹ cũng tăng khoảng 22%.

Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống. Kho hàng thủy sản nhập khẩu Mỹ vẫn còn đầy. 

“Do đó, có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước”, VASEP nhận định.

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá bán và sản lượng xuất khẩu phi lê trong tháng 6 lần lượt giảm 10% và 20% so với tháng trước khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang giảm tốc dưới áp lực lạm phát và hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đang dồi dào sau đợt nhập khẩu ồ ạt khiến các nhà nhập khẩu giảm đơn đặt hàng mới.

Bên cạnh đó, rủi ro nguồn cung tăng mạnh trong quý II cũng sẽ tạo áp lực đối với giá bán cá tra. Báo cáo của công CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng bắt đầu cuối quý II đến hết năm, nguồn cung cá tra sẽ tăng mạnh do giá bán ở mức cao, kích thích người dân thả cá. 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng cá tra trong tháng 6 đạt gần 135 nghìn tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kỳ vọng vào động lực từ thị trường Trung Quốc 

Mặc dù còn nhiều yếu tố bất lợi ở thị trường trường Mỹ cũng như rủi ro nguồn cung tăng cao những tháng cuối năm, ngành cá tra vẫn còn một động lực tiềm năng lớn đến từ Trung Quốc.

Theo số liệu của VASEP, 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đi thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. 

 Nguồn: VASEP

Trước đó, chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã cản trở hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này. 

Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc bắt đầu có động thái nới lỏng dần chính sách Zero COVID, trong đó, xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi.

VASEP cũng cho rằng: “Việc Trung Quốc xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm”.

BSC tỏ ra lạc quan với thị trường này: “Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022”.

Đáng chú ý, kể từ giữa tháng 3, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa các thành phố để ngăn chặn việc bùng phát dịch COVID-19, đồng thời, tăng cường kiểm tra các lô hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 2 tuần sau khi Trung Quốc công bố việc phong tỏa thành phố chưa có dấu hiệu sụt giảm, cho thấy nhu cầu nhập khẩu vẫn cao tại thị trường này.

 Nguồn: BSC

Thế nhưng, với Vĩnh Hoàn, dù triển vọng tiêu thụ cá tra của Trung Quốc tươi sáng trong những tháng cuối năm nhưng doanh thu tại thị trường chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15%.

VDSC chỉ ra động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ đến từ thị trường Trung Quốc nếu nước này dỡ bỏ lệnh đóng cửa. 

“Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó bù đắp cho mức giảm tại thị trường Mỹ do Mỹ là thị trường chính của Vĩnh Hoàn và giá bán tại Mỹ cao nhất trong tất cả các thị trường. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của Vĩnh Hoàn có thể giảm tốc so với 6 tháng đầu năm”, VDSC nhận định.

Trái lại, với những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều vào thị trường Trung Quốc thì đây là cơ hội lớn như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Quốc gia (IDI Corp); Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX I, Công ty Cổ phần Trường Giang (TG FISHERY). Đây là 3 công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông.

Trong quý II, IDI ghi nhận doanh thu thuần 2.386 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 229,5 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với quý II/2021.

Đức Quỳnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.