|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra có thể thiết lập kỷ lục 2,6 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp báo lãi khủng

10:38 | 22/07/2022
Chia sẻ
Xuất khẩu cá tra năm 2022 được dự báo sẽ phá đỉnh lịch sử, có thể đạt 2,5-2,6 tỷ USD. Mới 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng bằng lần, sắp về đích kế hoạch năm.

Xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể tạo kỷ lục

Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đang lấy lại sức bật và vị thế của ngành hàng tỷ USD sau gần hai năm trầm lắng vì dịch COVID-19.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, kết quả xuất khẩu cá tra đã đạt 87% kế hoạch Tổng cục Thủy sản đề ra trong năm 2022 với 1,6 tỷ USD.

Với đà tăng trưởng này, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra cả năm có thể đạt 2,5-2,6 tỷ USD, tăng 56-65% so với năm 2021. Nếu kết quả đúng như dự báo, xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể thiết lập kỷ lục mới cao nhất trong lịch sử ngành.

 

Phát biểu tại một hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng thời hoàng kim của cá tra đang trở lại khi Việt Nam nắm bắt được nhu cầu thế giới bùng nổ hậu COVID-19, doanh nghiệp có sẵn nguồn hàng dự trữ từ năm 2021.

Cùng với đó, lạm phát và chiến sự của Nga - Ukraine càng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào EU, Mỹ, Anh – những thị trường đang khát cá thịt trắng sau lệnh trừng phạt với Nga.

Nhu cầu thế giới tăng vọt song diện tích và sản lượng cá tra của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 3.105 ha và 771.430 tấn. Đây là căn cứ ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho rằng 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng mạnh chủ yếu nhờ tồn kho lớn từ năm trước.

Một số doanh nghiệp cá tra như Vĩnh Hoàn, IDI Corp, Nam Việt vẫn duy trì lượng hàng tồn kho lớn để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu năm nay. 

Tính đến hết ngày 30/6, hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn ở mức 2.905 tỷ đồng, tăng 62% so với đầu kỳ. Còn Nam Việt dự trữ khoảng 1.962 tỷ đồng hàng tồn kho, nhích lên 10% so với đầu kỳ.

Còn với IDI, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT IDI chia sẻ năm 2021, doanh nghiệp đã dự trữ được 24.000 tấn cá tra thành phẩm với mức giá nguyên liệu đầu vào khoảng 17.000 – 18.000 đồng/kg đáp ứng nhu cầu thị trường phục hồi sau dịch.

Thời điểm cuối tháng 4, doanh nghiệp đã ký kín các đơn hàng xuất khẩu cho năm 2022. Khi giá cá tra nguyên liệu lên 32.000 đồng/kg, doanh nghiệp có thể thu hàng trăm tỷ từ mức chênh lệch.

Đây cũng là cơ sở để IDI đặt mục tiêu doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Với chiến lược của các doanh nghiệp, ông Võ Hùng Dũng nhận định: “Tôi quan sát thấy rằng những doanh nghiệp có thể chịu đựng được qua thời kỳ con cá suy giảm thì sẽ “sống sót” và hưởng thụ kết quả xuất khẩu tốt của đầu năm 2022”.

Doanh nghiệp báo lãi khủng

Cả yếu tố khách quan và chủ quan đều thuận lợi, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có chuyển biến mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp cá tra, 6 tháng đầu năm CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) mang về doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỷ đồng, tăng 241%. Biên lãi gộp cải thiện từ 18,4% cùng kỳ lên 26%.

Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 84% lãi sau thuế cả năm.

 

Tương tự, CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cũng vừa công bố 6 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,7% lên 32,4%. Với kết quả này, Nam Việt đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận năm.

Điểm chung ở Vĩnh Hoàn và Nam Việt là cả hai doanh nghiệp này đều có vùng nuôi cá tra, duy trì hoặc nâng mức mức dự trữ hàng tồn kho từ năm 2021. Do đó, khi giá cá tra xuất khẩu khởi sắc, mức tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều tính bằng lần. 

 

Ngoài ra hai doanh nghiệp này, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%, công ty IDI tăng 86%, công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%, công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%, công ty CPTS NTFS tăng 87%...

Nhiều yếu tố biến động vẫn rình rập

Kết quả xuất khẩu cá tra 6 tháng đạt mức cao trong vòng nhiều năm, song nửa cuối năm vẫn chưa thể yên tâm vì còn một số yếu tố biến động.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm không thiếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cá tra vẫn đang phải gồng gánh chi phí đầu vào quá lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận chung.

Điển hình như vấn đề cước vận tải, book container. Theo VASEP, hiện các doanh nghiệp thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng.

Từ năm 2020 đến nay, giá cước ở hầu hết các chặng quốc tế đã tăng 4-5 lần do “tắc cảng”, dịch bệnh và giá nhiên liệu phi mã.

Đến tháng 6, giá cước container đã giảm nhẹ song so với mặt bằng chung vẫn ở mức cao, một container 40 feet đi bờ Đông Mỹ (Florida) hiện có giá 16.400 USD/cont, chưa kể chi phí vận chuyển từ nhà máy ra cảng.

Đây là bài toán khó đối với các doanh thủy sản trong bối cảnh thị trường thế giới hồi phục sau Covid-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ.

Chia sẻ về vấn đề này trên báo Chính phủ, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng Bộ KH&ĐT cần quan tâm tái quy hoạch, quy hoạch mới về logistics, trong đó cho các doanh nghiệp chủ hàng đầu tư vào tỉnh/vùng phù hợp.

Giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI. Ông Minh đề xuất Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.

Phạm Mơ