Ngành bán lẻ Mỹ đứng trước nhiều 'gió ngược'
Ngành bán lẻ Mỹ đứng trước nhiều “gió ngược”. Ảnh: Financial Tribune
Đó là số cửa hàng bán lẻ đóng cửa giai đoạn đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi mức cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ cửa hàng sập tiệm cũng vượt xa mức năm 2016. Các nhà bán lẻ cắt giảm việc làm với tốc độ nhanh nhất trong bảy năm vào mùa Xuân năm nay.
Theo quan sát của giới chuyên gia, trong đó có ông Ken Perkins, người đứng đầu công ty nghiên cứu Retail Metrics LLC (Mỹ), thói quen mua sắm của người Mỹ đã thay đổi rất lớn và trong một khoảng thời gian dài. Người Mỹ giờ chuyển sang mua trực tuyến nhiều hơn và chờ đợi các đợt mua hàng giảm giá.
Macy's, Kohl's và J.C. Penney là ba hãng bán lẻ điển hình được cho là sẽ thiệt hại không nhỏ do chuyển dịch trong xu hướng mua sắm cũng như sự bành trướng của Amazon – “ông trùm” trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.
Ông Perkins nhận định nhiều khả năng, thời gian tới các nhà bán lẻ sẽ đồng loạt công bố lợi nhuận quý I giảm mạnh nhất từ năm 2009, vượt mức 7,1% trong quý IV/2013.
The Limited đã đóng toàn bộ 250 cửa hàng còn lại. Payless ShoeSource đang trong quá trình đóng cửa gần 400 cửa hàng theo kế hoạch tái cơ cấu phòng ngừa phá sản. Các chuỗi cửa hàng khác đã “sập tiệm” hoàn toàn điển hình là Abercrombie & Fitch, BCBG và Wet Seal. Macy's và J.C. Penney cũng không ngoại lệ.
Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) – hiệp hội bán lẻ lớn nhất nước này – dự đoán tăng trưởng doanh thu thường niên năm 2016 của hiệp hội này ở mức 3,7-4,2%, trong đó tăng trưởng riêng mảng kinh doanh trực tuyến và kinh doanh không cần cửa hàng đạt 8-12%.
Ông Matthew Shay – người đứng đầu NRF – cho biết người tiêu dùng Mỹ đang có tình hình tài chính tốt, nhờ thị trường lao động tăng trưởng và một số yếu tố kinh tế khác.
Cooper Smith, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn L2, dự đoán khoảng 12-22% doanh thu từ việc bán quần áo trong năm nay là từ trực tuyến, và năm 2017 sẽ là năm thương mại điện tử ngành thời trang “cất cánh”. Dưới đây là một vài số liệu về ngành bán lẻ Mỹ:
- Tính tới đầu tháng Tư, số cửa hàng bán lẻ tại Mỹ đóng cửa là khoảng 2.880, so với mức hơn 1.153 cửa hàng cùng kỳ năm 2016, theo Credit Suisse. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 8.640 cửa hàng trong năm nay, vượt mức đỉnh năm 2008 là 6.200 cửa hàng.
- Tính đến ngày 4/5, đã có 19 công ty bán lẻ Mỹ nộp đơn phá sản so với số tổng 18 trong cả năm 2016. Dự đoán cả năm nay, số công ty bán lẻ Mỹ phá sản sẽ vượt mốc 42 ghi nhận năm 2010, theo Jim Elder, giám đốc mảng Kinh Doanh Rủi ro Dịch vụ tại S&P Global Market Intelligence. Trong năm 2009, tại Mỹ có 511 công ty bán lẻ phá sản.
- Các cửa hàng bán lẻ tuyển dụng 6.000 nhân viên trong tháng Tư, sau khi sa thải tổng cộng 55.000 nhân viên trong hai tháng trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ sau khi họ sa thải 62.200 việc làm trong tháng 12/2009. Cắt giảm việc làm là một điều không bình thường đối với các nhà bán lẻ khi nền kinh tế không suy thoái.
- Bảng phân tích số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy khả năng tăng giá bán của các nhà bán lẻ nước này thậm chí còn thấp hơn trong giai đoạn khủng hoảng để cạnh tranh với sự tiện lợi của hình thức giao dịch trực tuyến và xu hướng mua hàng giảm giá của người tiêu dùng, theo ông Mike Niemira, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc The Retail Economist LLC.