Ngân hàng Việt tăng cường 'ăn kiêng, tập gym'
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra chỉ thị không nâng chỉ tiêu tăng tín dụng cho hầu hết các thành viên nửa cuối 2018. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với trù tính khoảng 17% đưa ra đầu năm - Ảnh: Quang Phúc. |
Thời điểm đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam sắp bước vào giai đoạn điêu đứng thanh khoản và lãi suất, mà hệ lụy và rủi ro pháp lý còn kéo dài cho đến nay.
Đòn bẩy đã quá cao
Cân đối vốn mà ông Thắng nói ở hội nghị trên nằm ở cơ cấu kỳ hạn huy động với cho vay.
Tại thời điểm đó, nguồn vốn trung dài hạn hệ thống huy động được chỉ chiếm khoảng 10% cơ cấu, trong khi ngân hàng vẫn là kênh chính đáp ứng nhu cầu vay trung dài hạn của doanh nghiệp.
Dồn ngắn cắn dài, khoảng trống kỳ hạn rỗng theo tốc độ tăng trưởng cao của tín dụng có tỷ trọng trung dài hạn khá cao. Khủng hoảng đến ngay sau đó, mà người trong ngành không quên một thời có những từ được dùng để miêu tả hoạt động, như "đi đêm", "rút vào hoạt động bí mật", "mặc cả lãi suất"…; hay hình ảnh xe ngân hàng này đỗ ngay trước cửa ngân hàng kia để chờ khách rút tiền đảo về mình chữa cháy thanh khoản…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giai đoạn đó từng phân trần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội một thực tế: nhìn trên thế giới và trong khu vực, ít có quốc gia nào mà tỷ lệ đòn bẩy tín dụng lớn như Việt Nam, mà cỡ 90% dồn vào hệ thống ngân hàng. Khi đó, tỷ lệ tín dụng được đề cập ở mức độ khoảng 120% GDP, còn nhiều quốc gia khác chỉ khoảng 70-90% mà thôi.
Cập nhật mới nhất, tuần qua, tại diễn đàn kinh tế Việt Nam, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã lên tới khoảng 130%.
Cập nhật từ bà Hồng cho thấy có chuyển biến trong cân đối vốn, tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn của hệ thống đã nâng lên được khoảng 30%, so với chỉ khoảng 10% ở giai đoạn trên. Dù vậy, tỷ lệ tín dụng trên GDP đã lên tới 130% đã dồn đẩy đến giới hạn.
Già néo đứt dây. Bên cạnh mục tiêu giảm áp lực đến lạm phát, chỉ thị "siết lại" tăng trưởng tín dụng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây còn nhằm bảo vệ an toàn hệ thống trước tiềm ẩn rủi ro cho vay quá mức.
Vì an toàn hệ thống
Có vẻ như mâu thuẫn. Các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế vừa lần lượt nâng hạng cho loạt ngân hàng thương mại Việt Nam. Sức khỏe hệ thống được ghi nhân tốt lên, nhưng sức nâng tín dụng phải hãm lại.
Nhưng không mâu thuẫn, nếu nhìn vào thực tế các chỉ số an toàn hoạt động cập nhật gần nhất.
Một loạt thành viên được nâng hạng tín nhiệm, phản ánh sự cải thiện so với thể trạng trước đây. Trước đây, đó là giai đoạn "mẹ bé hơn con", khi một thời gian dài hệ thống ghi nhận tình trạng nhiều thành viên nợ xấu và lỗ ăn vào vốn, dẫn tới quy mô tổng vốn tự có bé hơn vốn điều lệ ở khối ngân hàng cổ phần tư nhân (vốn tự có là "mẹ", bao gồm vốn điều lệ và các quỹ).
Những năm gần đây, tình trạng trên đã được khắc phục, các chỉ số an toàn hoạt động đã cải thiện rõ rệt. Nhưng để nâng một mức tạ mới, nặng hơn của tín dụng không hẳn dư sức.
Cập nhật mới nhất đến 31/5/2018 từ Ngân hàng Nhà nước, mức độ tăng trưởng vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại nhà nước (đang nắm khoảng 50% thị phần tín dụng) vẫn là con số 0. Trong khi đó, khối này không ngừng nâng mức tạ tổng tài sản liên tục lớn lên, nặng thêm những năm qua. Điều này dẫn tới hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm chỉ chớm trên quy định, với 9,39% so với quy định tối thiểu 9%.
Tính chung toàn hệ thống, tốc độ tăng vốn cải thiện năng lực tài chính qua 5 tháng đầu 2018 đạt chưa đầy 1% (0,88%), trong khi tổng tài sản tiếp tục tăng cao hơn với 3,27%; hệ số CAR bình quân vẫn đảm bảo 12,14%, nhưng phía trước yêu cầu thực hiện các chuẩn mực Basel 2 đã gần kề, mà nếu thực hiện lúc này sẽ đánh tụt CAR xuống khoảng 2-2,5% theo tính toán của một số cơ quan chuyên môn.
Để tránh quá sức và đảm bảo an toàn hệ thống, như trên, bên cạnh mục tiêu giảm áp lực đến lạm phát tương lai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra chỉ thị không nâng chỉ tiêu tăng tín dụng cho hầu hết các thành viên nửa cuối 2018. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với trù tính khoảng 17% đưa ra đầu năm.
Bên cạnh mức độ khẩu phần, "chế độ ăn kiêng" trong phát triển tín dụng theo chỉ thị trên tiếp tục được giám sát chặt chẽ, thậm chí nhà quản lý sẽ tăng cường thanh tra. Đó là khiêng khem tín dụng bất động sản, chứng khoán, cho vay BOT và cả việc rà soát tín dụng tiêu dùng.
Những nhóm cho vay trên hầu hết đều thuộc phạm vi trung dài hạn, thậm chí rất dài hạn như BOT. Đặc điểm của nhóm hạn chế này gắn với bài học từng trả giá đắt trong giai đoạn trước, gắn với cân đối vốn và kỳ hạn đề cập ở trên.
Với chế độ mới này, "siết lại" từ nửa cuối 2018, các ngân hàng thương mại phải "ăn kiêng, tập gym" kỷ luật và chặt chẽ hơn, để giảm mỡ máu nợ xấu gây nghẽn mạch, bớt béo phì vòng 2 tín dụng, tăng cơ bắp dịch vụ và đầu tư, vì an toàn sức khỏe hệ thống và tương lai bền vững.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/