|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cần hiểu đúng việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm với các ngân hàng

11:27 | 24/08/2018
Chia sẻ
Ngày 14/8/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm trên một số tiêu chí cho 14/16 ngân hàng của Việt Nam mà hãng này theo dõi và đánh giá.
can hieu dung viec moodys nang hang tin nhiem voi cac ngan hang Moody’s nâng hạng tích cực 8 ngân hàng Việt Nam
can hieu dung viec moodys nang hang tin nhiem voi cac ngan hang Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực
can hieu dung viec moodys nang hang tin nhiem voi cac ngan hang
Moody’s nhìn nhận tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng ở Việt Nam đã có những cải thiện và khởi sắc đáng kể. Ảnh: T.L

Cụ thể, Moody’s nâng hạng tín nhiệm cho tiền gửi nội tệ, ngoại tệ, và nhà phát hành cho ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV. Sự nâng hạng tương tự cũng được dành cho năm ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước gồm ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VPBank.

Moody’s nâng hạng tín nhiệm cho tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với ba ngân hàng TMCP gồm ACB, MB và Techcombank. Đồng thời, Moody’s nâng hạng rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn đối với VietinBank, BIDV, SHB, HDBank và OCB.

Hãng này cũng thay đổi triển vọng tiền gửi nội tệ và triển vọng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ xuống “Ổn định” từ mức “Tích cực” cho tám ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank.

Nâng hạng không nhất thiết có nghĩa là tình hình kinh doanh đã tốt hơn

Việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm nhiều ngân hàng Việt Nam nói đơn giản chỉ là “ăn theo” hành động nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s đối với Việt Nam chứ không nhất thiết phản ánh rằng họ đã thấy có sự thay đổi thực chất (theo hướng tốt lên) trong nền tảng kinh doanh và sức khỏe tài chính của các ngân hàng này.

Sự nâng hạng tín nhiệm hàng loạt ngân hàng nói trên trong nhiều tiêu chí đã làm nhiều người nhầm tưởng rằng Moody’s nhìn nhận tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng ở Việt Nam đã có những cải thiện và khởi sắc đáng kể, thỏa mãn điều kiện để được nâng hạng tín nhiệm do Moody’s đặt ra.

Thực tế, như được nêu rõ trong thông cáo báo chí, Moody’s nâng hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng TMCP của Việt Nam vì họ cũng mới nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (ngày 10-8-2018) từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Tích cực” xuống “Ổn định”. Trong khi đó, Moody’s không thay đổi mức xếp hạng cơ bản (baseline credit assessment - BCA) của các ngân hàng TMCP này. Hiểu BCA nôm na là mức xếp hạng tín nhiệm tự thân của các ngân hàng khi không có bất cứ sự trợ giúp nào từ một ai/yếu tố nào khác.

Nói cách khác, và như thông thường, khi các hãng xếp hạng tín nhiệm thay đổi (nâng/hạ) xếp hạng tín nhiệm quốc gia thì họ cũng thường thay đổi (nâng/hạ) xếp hạng tín nhiệm của một số doanh nghiệp/ngân hàng có liên quan của quốc gia đó.

Trong trường hợp của Việt Nam, như Moody’s đã giải thích trong thông cáo báo chí của mình, xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một yếu tố đầu vào chủ chốt để hãng này xếp hạng tín nhiệm cho các ngân hàng Việt Nam, bởi xếp hạng tín nhiệm quốc gia là căn cứ để Moody’s đánh giá khả năng/năng lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ các ngân hàng TMCP khi xảy ra căng thẳng.

Như vậy, việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm nhiều ngân hàng Việt Nam nói đơn giản chỉ là “ăn theo” hành động nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s đối với Việt Nam hôm 10/8/2018, chứ không nhất thiết phản ánh rằng họ đã thấy có sự thay đổi thực chất (theo hướng tốt lên) trong nền tảng kinh doanh và sức khỏe tài chính của các ngân hàng này.

Hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm là bình thường

Một điều có thể gây khó hiểu cho nhiều người là tại sao Moody’s một mặt nâng hạng tín nhiệm cho quốc gia và cho nhiều ngân hàng TMCP, nhưng mặt khác lại hạ triển vọng xếp hạng từ mức “Tích cực” xuống “Ổn định”. Sự nâng và hạ này có mâu thuẫn hay không khi một bên gợi ý cho thấy có sự cải thiện, một bên lại dường như cho thấy điều ngược lại?

Điều đó có thể được giải thích ở khía cạnh như sau: Thông thường, để các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng hạng tín nhiệm của một thực thể kinh tế nào đó thì bước đi cần thiết là thực thể đó phải có được triển vọng xếp hạng là “Tích cực”, được điều chỉnh lên từ triển vọng “Ổn định” trước đó. Và khi có một bước ngoặt nào đó xảy ra, chẳng hạn như kết quả kinh doanh trong những năm trước liên tục cải thiện, đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng ở mức cao hơn thì các hãng xếp hạng sẽ tiến hành điều chỉnh nâng hạng của thực thể này lên tương ứng.

Một khi đã được nâng hạng rồi thì triển vọng nâng hạng trong tương lai, ít nhất là sau 18-24 tháng, cần phải được quay trở về mức bình thường, tức “Ổn định”, trước khi hãng xếp hạng tín nhiệm lại nhìn thấy có nhiều yếu tố thuận lợi hoặc bất lợi mới để họ một lần nữa điều chỉnh nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực” hoặc hạ xuống “Tiêu cực” tùy thuộc điều kiện thực tế, và lấy đó làm cơ sở hỗ trợ cho việc điều chỉnh mức xếp hạng cao hơn hoặc thấp hơn tương ứng của thực thể này trong tương lai.

Phản ánh có chủ ý?

Một điều cần lưu ý nữa là một số bài báo ở Việt Nam thông tin việc Moody’s điều chỉnh mức xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng TMCP theo cách xem ra là để phục vụ cho mục tiêu quảng bá. Cụ thể, có bài nhấn mạnh đến đánh giá của Moody’s rằng Chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ “rất cao” (very high) đối với một ngân hàng TMCP có vốn nhà nước cụ thể. Thực ra thì Moody’s dành tiêu chí này cho không phải chỉ một mà là cả ba ngân hàng TMCP có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV và VietinBank).

Có thể các bài báo này chỉ đơn thuần quảng bá cho một ngân hàng cụ thể. Nhưng cách nêu vấn đề như vậy hoàn toàn có thể có tác dụng ngược vì một số người đọc có thể hiểu rằng ngân hàng TMCP có vốn nhà nước này đang có vấn đề nên (buộc) Nhà nước phải trong tư thế sẵn sàng nhảy vào hỗ trợ bằng mọi giá (có thể vì lý do là quá lớn nên không thể để xảy ra đổ vỡ).

Hơn nữa, khả năng hỗ trợ “rất cao” này dù muốn được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực (cho ngân hàng cụ thể này) nhưng thực ra cũng hoàn toàn là điều bình thường, chứ không phải là điều đặc biệt hay tích cực gì cả. Ngoài khả năng là do quy mô của ngân hàng này quá lớn nên không thể để xảy ra đổ vỡ, sẽ gây khủng hoảng cho nền kinh tế, buộc Chính phủ phải dốc sức hỗ trợ tối đa có thể khi “lâm sự”, các ngân hàng loại này vẫn được Nhà nước nắm giữ một tỷ lệ cổ phần lớn, chi phối nên đương nhiên Nhà nước muốn/phải hỗ trợ chúng hết mình khi cần thiết nếu không muốn bị mất vốn hoặc cụt cổ tức.

Tương tự như vậy, một số ngân hàng TMCP riêng lẻ cũng được báo chí chọn ra và được nhấn mạnh rằng Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của nó lên. Trong khi thực tế Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm cho hàng loạt ngân hàng TMCP (và, xin lặp lại, sự nâng hạng này chỉ là “ăn theo” sự nâng hạng tín nhiệm quốc gia), việc chỉ chọn và nêu bật một ngân hàng TMCP rõ ràng có hơi hướng của quảng bá, trong khi thực chất không hẳn đã có những biến chuyển tốt về kết quả kinh doanh và sức khỏe của ngân hàng này.

Xem thêm

Phan Minh Ngọc