Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực
Ảnh minh họa. |
Moody's Investors Service vừa ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam ở mức B1, đồng thời điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Đồng thời, Moody’s cũng nâng trần xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng đồng nội tệ của Việt Nam lên mức Baa3 từ mức Ba1.
Trong khi đó, trần xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ được giữ nguyên ở mức tương ứng là Ba2 và B2. Ngoài ra, hãng này duy trì trần xếp hạng đối với trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ ngắn hạn ở mức “Đầu tư không tốt” (Not Prime).
Việc nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam do Moody’s kì vọng: (1) dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mạnh, được khuyến khích bởi đà cải cách kinh tế, sẽ tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế, (2) ổn định vĩ mô được duy trì, và (3) tăng trưởng kinh tế mạnh và môi trường vĩ mô ổn định sẽ giúp nợ chính phủ giữ quanh mức hiện nay.
Xếp hạng B1 phản ánh các thế mạnh tín nhiệm của Việt Nam, bao gồm quy mô và sự đa dạng của nền kinh tế và kết quả tăng trưởng mạnh so với các nước cùng mức tín nhiệm. Ngoài ra, mức xếp hạng còn phản ảnh chất lượng thể chế trong những năm gần đây.
Moody’s nhận xét dòng vốn FDI cao sẽ giúp Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các quốc gia khác, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế và tăng thị phần thương mại quốc tế.
Sự cải thiện về sức cạnh tranh và đà cải cách đã giúp dòng vốn FDI đạt mức trung bình 5,2% GDP trong giai đoạn từ 2014 đến 2016, cao hơn mức trung bình là 3,6% của các nước có cùng xếp hạng B1.
Cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở quanh mức 6,3% từ nay đến năm 2019, cao gần gấp đôi mức trung bình 3,3% của các nước cùng hạng.
Lạm phát trong năm nay được dự báo dưới ngưỡng mục tiêu 5% do áp lực tăng giá của các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giảm. Lạm phát vừa phải hỗ trợ sức mua của người tiêu dùng và kiềm chế chi phí đi vay bằng đồng nội tệ của Chính phủ.
Trước đó, tháng 7/2014 Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định, lần đầu tiên sau gần 10 năm giữ mức xếp hạng B2.
Theo phân loại xếp hạng của Moody’s, mức tín nhiệm B1 vẫn được xếp trong nhóm đầu cơ cao, không khuyến khích đầu tư.