Ngân hàng và nỗi khổ thu hồi nợ
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc
Mới đây, tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo UBND TP.HCM, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã nêu ra nhiều vướng mắc gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn tại các ngân hàng.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, tuy ngân hàng là chủ nợ nhưng lại gần như không có quyền hạn khi giải quyết nợ xấu qua tòa án. Thậm chí, tòa án và cơ quan thi hành án cũng bị ràng buộc bởi các yếu tố pháp lý nên nhiều khoản nợ không thể thu hồi. Theo ông Dũng, việc đòi nợ của các ngân hàng hiện nay “khổ trăm bề” và dù có được tòa án, cơ quan thi hành án hỗ trợ nhưng có những vụ, không dễ gì xử lý.
Còn ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) than phiền về việc tài sản thế chấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm nợ vay và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Tương tự, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ: Nỗi ám ảnh lớn nhất của các ngân hàng thương mại là thu hồi, xử lý nợ và thi hành án!
Trong khi, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) kiến nghị cơ quan chức năng cho chuyển nợ thành vốn góp, vì thực tế tình trạng này (chuyển nợ thành vốn góp) đã xảy ra, nhưng lại chưa đủ hành lang pháp lý để thực hiện.
Theo lãnh đạo các nhà băng, không phải đến thời điểm này, các rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu, thi hành án mới tạo nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Bởi, cho đến nay luật không cho phép ngân hàng tự phát mãi tài sản khi khoản nợ đó rơi vào nợ xấu nếu không được sự đồng ý từ phía khách hàng nên rất khó ngăn chặn nợ.
Nhiều ngân hàng “than” khó xử lý nợ vì nhiều vướng mắc còn tồn tại nhiều năm qua. |
Tìm cách tháo gỡ
Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 2/2017, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 3,67%. Nếu trừ nợ xấu của 3 ngân hàng thương mại được NHNN mua lại 0 đồng, tỷ lệ này còn ở mức 1,96%.
Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc chi nhánh tín dụng này nhìn nhận, nợ xấu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, nợ xấu của nhóm ngân hàng liên quan đến các vụ án rất khó xử lý và phụ thuộc nhiều vào kết quả “tác nghiệp” của tòa cũng như của thi hành án.
Tại buổi đối thoại, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, trong quá trình triển khai chính sách chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Vì thế, cần có sự phối hợp tháo gỡ để đồng nhất hành động, từ đó mới thành công và hiệu quả.
Ông Thanh cũng đồng cảm và cho rằng, thời gian qua, dư luận phê phán ngành ngân hàng để nợ xấu cao, nhưng chưa công bằng trong việc nhìn nhận nguyên nhân, một phần cũng do vướng cơ chế xử lý nợ xấu, bên cạnh những rủi ro về đạo đức cán bộ ngân hàng.
Theo ông Thành, NHNN đang tiến hành soạn thảo trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội sửa đổi cơ chế pháp lý nhằm xử lý nợ xấu rốt ráo hơn.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, giữa NHNN TP.HCM và Cục Thi hành án TP.HCM đã có sự phối hợp, trao đổi tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý vướng mắc và tiếp tục phát huy sự phối hợp hiệu quả này trong thời gian tới.
Để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thi hành án, tòa án và xử lý tài sản thế chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong công tác xử lý, thu hồi nợ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: Nếu trong thẩm quyền được phép, thành phố sẽ cam kết hỗ trợ để các ngân hàng thu hồi nợ. Thành phố cũng sẽ tổ chức cuộc họp giữa các tổ chức tín dụng với các ban, ngành liên quan đến quá trình xử lý, thu hồi nợ như tòa án, thi hành án… nhằm giải quyết vướng mắc cho ngân hàng.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ trong thẩm quyền cho phép. Ảnh: Thanhnien |
Một số lãnh đạo ngân hàng phản ánh tình trạng tòa án không nhận đơn kiện của tổ chức tín dụng khi không xác định được nơi cư trú hoặc nơi hoạt động của khách hàng vay nợ hoặc bên bảo lãnh (do họ đổi nơi cư trú, nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ) nên rất khó cho công tác thu hồi nợ của ngân hàng. |