Ngân hàng tung hàng loạt chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam và có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường đang có xu hướng giảm.
Mặt khác, báo cáo phát hành ngày 2/3 của Moody's cũng nhận định, chất lượng tài sản trong các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì COVID-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đã đặt ra thách thức cho ngành ngân hàng trong việc duy trì ổn định tình hình kinh doanh, giữ tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp cũng như xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020.
Nhằm gỡ thế khó cho doanh nghiệp cũng như giảm thiểu rủi ro cho mình, nhiều ngân hàng đã đưa ra hàng loạt chương trình như ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi vay, gói cho vay mới…
Hàng loạt ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với 12 ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc TPBank, ông Nguyễn Hưng cho biết trước khi có Thông tư 01, TPBank đã chủ động xem xét danh mục khách hàng, sau đó tham gia ý kiến đóng góp xây dựng thông thư và có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho khách hàng.
Trong danh mục khách hàng phân tích có khoảng 20% khách hàng bị ảnh hưởng nặng, 40% khách hàng còn lại ảnh hưởng tương đối, 40% khách hàng khác ít bị ảnh hưởng, 13% không bị ảnh hưởng như hàng tiêu dùng, thiết yếu…
Từ khi Thông tư 01 có hiệu lực đến nay, TPBank dự kiến trong tháng 3 xem xét giãn nợ khoảng 200 khách hàng với dư nợ 1500 tỉ đồng. Tổng số khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 20-30 nghìn tỉ đồng/tổng dư nợ.
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng ACB cho biết, từ ngày 18/3, ngân hàng đã tiếp nhận 392 yêu cầu hỗ trợ khách hàng với tổng dư nợ hơn 4.000 tỉ đồng.
Về cho vay mới, trước thời điểm vào tháng 1, ACB đã công bố gói cho vay 25.000 tỉ đồng, lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm. Đến cuối tháng 2 thì ACB đã giải ngân 21.900 khách hàng với hơn 20.000 tỉ đồng, cam kết sẽ mở rộng gói này sau khi sử dụng hết.
Với nhóm khách hàng ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp bởi dịch, ACB cung cấp thêm gói tín dụng 5.000 tỉ đồng, cho vay để khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, ACB để ân hạn 12 tháng, sau 12 tháng khách hàng mới thực hiện thanh toán.
Tại SHB, Phó Tổng Giám đốc Ninh Thị Lan Phương chia sẻ ngay sau khi có dịch bệnh và có sự chỉ đạo kịp thời của NHNN thì SHB đã có một số giải pháp và chính sách như: Phát dung dịch diệt khuẩn, khẩu trang, đối với những dịch vụ chuyển tiền thì giảm 30-50%, đối với khách gửi tiền online thì cộng thêm lãi suất 0,4-0,5%, đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm và cho vay cá nhân thì sẽ tặng gói bảo hiểm COVID-19.
SHB cũng rà soát các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi COVID-19 để đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp. Ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo COVID-19 do đồng chí Tổng Giám đốc làm Trưởng ban và có ba Phó tổng phụ trách ba mảng.
Đối với HDBank đã triển khai gói lãi suất ưu đãi, linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm với các gói vay ngắn hạn (từ 1 tháng đến 6 tháng), dành cho khách hàng doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại TP HCM (Saigon Co.op) đến khi có thông báo hết dịch bệnh COVID-19.
Tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo lên đến 90% và hạn mức mở rộng tài trợ theo hợp đồng cung ứng lên đến 70%.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, HDBank dành 5.000 tỉ đồng tài trợ ưu đãi, lãi suất ưu đãi chỉ 6,5%/năm; dành 3.000 tỉ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế; nhằm đáp ứng nhu cầu và bình ổn thị trường sản phẩm.
"Ông lớn" ngành ngân hàng dự kiến gia tăng qui mô tín dụng lên hàng trăm nghìn tỉ đồng
Không đứng ngoài cuộc, Vietcombank cũng cho biết đã triển khai luôn một số giải pháp nhằm chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn. Vietcombank cũng giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, cụ thể giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn; cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của Vietcombank.
Cùng với đó, Vietcombank ban hành các chương trình cho vay với lãi suất thấp (lãi suất thấp nhất có thể xuống tới 5%) để ưu đãi cho các khách hàng tốt, trong đó có khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Qui mô dư nợ ban đầu Vietcombank dự kiến hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng gần 78.000 tỉ đồng. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, Vietcombank đang xem xét mở rộng thêm đối tượng khách hàng được áp dụng, đồng thời xem xét mở rộng qui mô dư nợ được hỗ trợ có thể lên tới 120.000 tỉ đồng.
"Ông lớn" VietinBank cũng thông báo gia tăng qui mô gói tín dụng với lãi suất thấp nhất thị trường lên gần 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay bằng VND giảm thêm 1,5%/năm và 0,5-0,7%/năm đối với USD so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện VietinBank đang cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp qui định của NHNN và xem xét cho khách hàng vay mới/tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện cải cách thủ tục cho vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lí.
Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn qui mô đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay cố định, vay ưu đãi lãi tri ân... với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,25% - 3%/năm so với thông thường.
NHNN cho biết tính đến giữa tháng 3, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỉ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỉ đồng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỉ đồng; tiếp tục cho vay mới 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến 24.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/