|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng thuận lợi có, nhưng chưa hết khó

04:00 | 26/01/2024
Chia sẻ
Năm 2024 dù tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bức tranh ngành ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều điểm sáng tích cực.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do diễn biến của nền kinh tế không mấy tích cực như: tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do tổng cầu thế giới suy yếu, thị trường bất động sản là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất vẫn trầm lắng, nhưng kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong năm 2023 vẫn khởi sắc.

Năm 2024 dù tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bức tranh ngành ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều điểm sáng tích cực.

Lợi nhuận tỷ USD

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 ước đạt khoảng 41.200 tỷ đồng, lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng. Huy động vốn thị trường I (nơi diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân) của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1%; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.

Đứng ở vị trí thứ 2 về lợi nhuận là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BIDV). Cụ thể, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 của ngân hàng này tăng 18,6% so với năm 2022, lên 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 18,8%.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Trần Việt-TTXVN

BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam khi có tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022. 

Dư nợ tín dụng ở mức 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, dẫn đầu trong nhóm Big4 (nhóm 4 ngân hàng lớn nhất và chiếm ưu thế trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam). Nợ xấu của BIDV ở mức 1,1%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 192%.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước. Con số này thấp hơn mục tiêu ngân hàng đề ra vào cuối tháng 5/2023 là 26.200 tỷ đồng. Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát dưới 2%. 

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, đơn vị đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023. Trước đó, vào tháng 10, Vietinbank công bố kế hoạch năm 2023 với lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 22.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước (20.352 tỷ) và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. 

Tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 15% so với năm 2022, đứng thứ hai trong nhóm Big4. Huy động vốn của VietinBank tăng thêm 13,7%; trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,15%, giảm 0,09 điểm % so với cuối năm 2024. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng ở mức 160%. 

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PvcomBank), lãnh đạo ngân hàng này cho biết, năm nay, doanh thu ngân hàng ước đạt 129% kế hoạch giao, lợi nhuận trước thuế ước đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.

Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2023, PVcombank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.025 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 109 tỷ đồng. 

Thuận lợi đan xen khó khăn

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc Tế (VISE), kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc và có thể tiếp tục hồi phục tốt hơn trong năm 2024.

Cụ thể, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tín dụng cho thị trường bất động sản.

VISE cho rằng, lãi suất cho vay giảm mạnh kích thích nhu cầu tín dụng; tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt từ 13 - 14%, với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt từ 6 - 6,5%.

Thực tế, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 13,5%. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đây là con số rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng trong năm vừa qua, đặc biệt tăng trưởng tín dụng đã “bứt tốc” trong tháng cuối năm. Bởi, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ riêng tháng 12, tín dụng đã tăng tới 4,35%.

Ngân hàng thuận lợi có, nhưng chưa hết khó. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Theo VISE, hiện tại lãi suất huy động toàn ngành đang thấp hơn mức đáy trong giai đoạn dịch COVID-19. Lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt là 4,9%/năm và 5,1%/năm, thấp hơn mức lãi suất huy động thấp nhất cùng kỳ hạn trong giai đoạn COVID-19 lần lượt là 5,5%/năm và 5,6%/năm. VISE cho rằng, điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vốn của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng cho rằng, áp lực trích lập dự phòng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024. Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023, nhưng có thể kéo dài sang năm 2024 vì vậy áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn khá cao.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho biết, lãi suất huy động toàn ngành hiện đang thấp hơn mức đáy trong giai đoạn dịch COVID-19, mặc dù lãi suất điều hành vẫn cao hơn 50 điểm cơ bản. Trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, MBS cho rằng mặt bằng lãi suất thấp có thể được duy trì trong ít nhất từ 6 - 9 tháng tới. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng NIM (biên lãi ròng).

Tuy nhiên, với chủ trương hỗ trợ nền kinh tế, MBS cho hay, việc giảm lãi suất cho vay đầu ra cũng sẽ là yếu tố then chốt để giúp các ngân hàng thương mại có thể nhận được hạn mức tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước và gia tăng cạnh tranh. Do đó MBS nhận định, NIM năm 2024 của hầu hết các ngân hàng sẽ tăng nhẹ so với 2023 và sẽ không cao như năm 2022.

Văn Giáp