|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng mua lại hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu trước hạn

08:24 | 20/08/2020
Chia sẻ
Trong những tháng gần đây, các ngân hàng đã mua lại hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng có nguồn vốn dồi dào với chi phí huy động thấp.
Ngân hàng mua lại hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu trước hạn  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Forbes).

Ngân hàng đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Trong những tháng gần đây, một loạt ngân hàng thông báo mua lại trước hạn hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu.

Mới nhất BIDV cho biết đã mua lại toàn bộ 3.500 tỉ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2015 vào ngày 28/7. Trái phiếu được phát hành vào ngày 28/7/2015, kì hạn 10 năm 1 ngày và BIDV có quyền mua lại sau 5 năm.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng.

Kể từ đầu tháng 6 tới nay, HDBank thông báo đã mua lại 2.300 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019 và 500 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2018. Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã thông qua phương án mua lại 8.520 tỉ đồng trái phiếu trước hạn trong năm nay.

Trong tháng 6 và đầu tháng 7, VPBank cũng công bố kế hoạch mua lại 2.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 và 800 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019.

VPBank cũng lên kế hoạch mua lại 300 triệu USD trái phiếu đã phát hành theo chương trình Euro Medium Term Note, niêm yết trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài. Thời gian thực hiện trong năm 2020 hoặc 2021 tuỳ điều kiện thị trường.

SeABank, VIB, Bac A Bank và OCB cũng mua lại trước hạn lần lượt 2.250 tỉ đồng, 1.600 tỉ đồng, 1.300 tỉ đồng và 1.600 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành trong năm 2018 và 2019.

Nguyên nhân là 'thừa' tiền?

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng đang rất dư thừa do tăng trưởng tín dụng thấp kỉ lục và chủ trương nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có xu hướng cắt giảm chi phí vốn nhằm bù đắp cho sự đi xuống của thu nhập từ lãi khi phải liên tục triển khai các chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dại dịch COVID-19.

Đến giữa tháng 8, lãi suất tiền gửi giảm xuống chỉ còn 3,15 - 4,25%/năm với kì hạn 1 đến dưới 6 tháng, 4,4 - 6,5%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5,0 - 7,3%/năm với kì hạn 12, 13 tháng. Mức lãi suất huy động này đang thấp nhiều so với lãi suất áp dụng cho các trái phiếu phát hành trong những năm trước.

Nói về nguyên nhân đưa ra quyết định mua lại trước hạn hơn 8.500 tỉ đồng trái phiếu, HĐQT HDBank cho biết ngân hàng có nguồn vốn dồi dào với chi phí huy động thấp hơn nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu các năm trước. 

Do vậy, việc chủ động mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành sẽ giúp HDBank cơ cấu lại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm chi phí vốn.

Trao đổi với người viết, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện tại, khi các ngân hàng đang dư thừa tiền.

Trong bối cảnh dư thừa thanh khoản, không có lí do gì để các ngân hàng duy trì một lượng trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ. Do vậy, mua lại trái phiếu trước hạn là một động thái tích cực.

Chuyên gia Kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu

Ngoài giảm thiểu chi phí vốn, mua lại trái phiếu còn giúp các ngân hàng khẳng định được tiềm lực tài chính với đối tác và nhà đầu tư.

Lí giải nguyên nhân mua lại 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, VPBank cho biết do khủng hoảng toàn cầu liên quan đến dịch bệnh COVID-19, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quốc tế bị bán tháo rất mạnh nên trái phiếu của VPBank đăng kí tại Singapore hiện đang giao dịch ở mức giá thấp hơn nhiều thời điểm phát hành. 

Việc này có thể là điểm bất lợi cho VPBank trong việc huy động các nguồn vốn khác trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các khoản vay tài trợ từ các ngân hàng quốc tế với lãi suất thấp hơn nhiều.

Theo VPBank, việc mua lại trái phiếu quốc tế đã phát hành của ngân hàng sẽ nâng cao uy tín của ngân hàng trên thị trường Eurobond, chứng minh được tình hình thanh khoản của ngân hàng rất ổn định, nâng cao uy tín của VPBank trong và ngoài nước. Từ đó, tạo điều kiện để ngân hàng có thể phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế sau này khi cần thiết và khi thị trường quốc tế ổn định trở lại.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Thụy

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.