|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng MSB 'thay da đổi thịt' ra sao sau gần 5 năm sáp nhập

13:15 | 24/06/2019
Chia sẻ
Ngân hàng MSB với dấu ấn không quá đậm nét trong những năm trở lại đây đang cố gắng gây ấn tượng, vị thế trên thị trường với mục tiêu niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE trong năm nay.

Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB, tên gọi trước đây là Maritime Bank) khi chính thức nhập sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông, đồng thời mua tại Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC). Hoàn thành hai thương vụ lớn này đưa quy mô mô nguồn lực tài chính, nhân sự, khách hàng, mạng lưới của MSB gia tăng.

Theo đánh giá từ MSB, đây là cơ hội giúp ngân hàng phát triển mạnh trong các lĩnh vực cho vay nông nghiệp, cho vay tín chấp hành chính sự nghiệp (lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh của MDB trước đó) và cho vay tiêu dùng (mảng đã được cấp phép của công ty tài chính).

Không có kì tích ngay sau sáp nhập

Ngay sau sáp nhập vào cuối năm 2015, vốn điều lệ của MSB tăng từ 8.000 tỉ lên 11.750 tỉ đồng. Mặc dù vốn điều lệ tăng trong năm 2015 nhưng tổng tài sản của ngân hàng lại không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm nhẹ 58 tỉ đồng so với năm 2014.

Hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng cũng không tạo ấn tượng trên thị trường.

tts-msb

Vốn điều lệ của MSB đã không tăng kể từ sau sáp nhập (năm 2015). Đvt: tỉ đồng (Ảnh: DB tổng hợp)

Lợi nhuận sau thuế năm 2015 giảm gần 19%, trong khi thu nhập từ lãi thuần của MSB tăng 35% từ 1.173 tỉ của năm 2014 tăng lên 1.587 tỉ đồng. 

Ngược lại, hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối giảm mạnh. Lãi thuần từ mảng dịch vụ giảm hơn 30%; trong khi mảng kinh doanh ngoại hối lỗ 71 tỉ đồng, gần gấp 5 lần mức lỗ của năm 2014.

Cùng với đó là số dư nợ xấu giảm 21% kéo tỉ lệ nợ xấu của MSB giảm từ trên 5% (2014) xuống chỉ còn 3,41% vào cuối năm 2015. Tuy nhiên số dư trái phiếu VAMC của ngân hàng lại tăng vọt lên gần gấp 3 lần lên 9.983 tỉ đồng.

MSB thay đổi ra sao sau 5 năm?

Mặc dù không có kì tích sau thương vụ sáp nhập và mua công ty tài chính nhưng thời gian 5 năm MSB cũng cho thấy một số thay đổi. 

Cụ thể, tổng tài sản của ngân hàng tăng 32%, cho vay khách hàng tăng gấp đôi trong khi số dư tiền gửi khách hàng không có nhiều biến động. 

Vốn điều lệ giữ nguyên 11.750 tỉ đồng kể từ sau sáp nhập. Lợi nhuận của ngân hàng là khoản mục gần như tăng mạnh nhất, tập trung chủ yếu trong năm 2018. Điều này làm cho EPS của MSB tăng từ 180 đồng lên 762 đồng, tuy nhiên vẫn nằm ở mức thấp so với các ngân hàng khác. 

Thu nhập nhân viên MSB tăng gần 57% sau 5 năm từ 12,6 triệu đồng lên gần 19,8 triệu đồng/tháng.

Screen Shot 2019-06-22 at 03

Bảng kết quả kinh doanh MSB trong 5 năm trở lại đây. (Nguồn: DB tổng hợp).

Các con số tài chính tăng là vậy, nhưng đứng về phía cổ đông, suốt 8 năm qua MSB đã không chia cổ tức. Điều này khiến nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc tại đại hội đồng cổ đông thường niên qua nhiều năm.

Cú lộn vòng trong năm 2018

Thống kê của người viết cho thấy, sau sáp nhập, hoạt động kinh doanh của MSB ghi nhận lợi nhuận sau thuế dao động khá khiêm tốn từ 116 - 140 tỉ đồng. Thế nhưng trong năm 2018, lợi nhuận MSB bất ngờ tăng vọt lên 868 tỉ đồng, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Điểm đáng lưu ý là lợi nhuận quí IV/2018 đã góp hơn 73% trong tổng số lợi nhuận của cả năm với gần 798 tỉ đồng trước thuế và 631 tỉ đồng lợi nhuận ròng. Trong kì này, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ kinh doanh khác tăng trưởng đột biến lần lượt 190% và 290%.

Tính chung năm 2018, lợi nhuận các mảng hoạt động đều tăng cao. Cụ thể thu nhập lãi thuần tăng gần 77% với 2.834 tỉ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng xấp xỉ 99%; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 221%; lãi thuần từ kinh doanh khác tăng 81%. 

Bên cạnh đó, việc cắt giảm 277 tỉ đồng chi phí dự phòng (tương đương giảm hơn 27%) cũng đóng góp không nhỏ cho kết lợi nhuận tăng vọt năm 2018 của MSB.

ln

Lợi nhuận sau thuế MSB qua các năm, đvt: tỉ đồng. Nguồn: DB tổng hợp.

Năm 2018, tăng trưởng cho vay khách hàng của MSB lên đến 35% so với năm trước. Nợ xấu của ngân hàng cũng một phần vì thế mà tăng hơn 80% với số dư 1.466 tỉ đồng, kéo theo tỉ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% từ 2,23% lên 3,01%. Tuy nhiên, số dư trái phiếu VAMC của MSB lại giảm hơn 6.000 tỉ đồng (giảm hơn 64%).

Ôm mục tiêu lớn trong năm 2019

Đầu năm nay, ngân hàng đã đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank thành MSB. Tiếp đà tăng trưởng "thần tốc" năm ngoái, năm nay MSB đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế 77% lên 1.860 tỉ đồng. 

Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ lên tới 35%, gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đây là một mức khá cao trong bối cảnh NHNN có chủ trương thắt chặt tín dụng, giữ tín dụng tăng trưởng cả năm 2019 ở khoảng 14%.

Mới đây, MSB cũng được NHNN phê duyệt áp dụng Basel II trước thời hạn, đây là một trong những điểm mở để ngân hàng có thể nhận được ưu đãi nới "room" tín dụng. Tuy nhiên, trước MSB đã có 8 ngân hàng được NHNN chấp thuận, do vậy cửa để tăng trưởng tín dụng còn chưa được xác định.

Năm nay, MSB còn đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, dự kiến vào quí III/2019.

Chuyện lên sàn của MSB vốn dĩ đã được nhắc đến từ nhiều năm qua. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, việc lên sàn không được cổ đông thông qua, với chỉ hơn 3% phiếu tán thành. Nguyên nhân chính là mức giá cổ phiếu quá thấp.

Sang năm nay, lãnh đạo MSB nhận định việc thực hiện IPO sẽ làm vốn của ngân hàng tăng lên nhanh chóng và giúp nắm bắt nhiều cơ hội kinh doanh, đa dạng hoá danh mục nhà đầu tư. Ngân hàng đưa ra giá trị vốn hoá dự kiến 1,1 tỉ USD sau khi bán toàn bộ cổ phiếu quĩ cho các cổ đông.

Hiện trên thị trường OTC, cổ phiếu MSB giao dịch trong khoảng từ 10.300  - 11.300 đồng/cp và khối lượng giao dịch có xu hướng tăng dần trong những phiên gần đây. Trong 5 phiên gần nhất từ ngày 18 - 22/6, giá trị giao dịch trên OTC từ 152 đến 349 tỉ đồng, theo thống kê của vinacorp.vn.

Screen Shot 2019-06-22 at 04

Diễn biến giá cổ phiếu MSB trong 3 tháng gần nhất (Nguồn: vinacorp.vn).

Gần đây, hơn 4 triệu cp MSB được DATC đấu giá với khởi điểm 11.800 đồng/cp nhưng "ế" nặng với chỉ hai cá nhân mua 1.800 cp, bằng 0,045% số lượng muốn bán. Điều này cho thấy "sức hấp dẫn" của MSB vẫn chưa đủ lớn với các nhà đầu tư.

Tuy chưa thể đánh giá được tác động lên giá cổ phiếu nhưng việc lên sàn ít nhiều sẽ mang lại lợi ích cho ngân hàng. Đó là việc tăng vốn khi áp dụng Basel II, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài... và đặc biệt đó là sự minh bạch hơn về thông tin đối với các nhà đầu tư.

Diệp Bình