CEO MSB: Đã có nhà đầu tư ngoại xác định đầu tư vào MSB
Ông Huỳnh Bứu Quang - Tổng giám đốc MSB.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, các cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã MSB) đã chính thức thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, dự kiến sẽ được thực hiện trong quý 3 năm nay.
Được biết, để chuẩn bị cho sự kiện này, mới đây, MSB cũng đã thực hiện một loạt roadshow tại thị trường nước ngoài, giới thiệu cơ hội đầu tư vào ngân hàng.
Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Huỳnh Bứu Quang, Tổng giám đốc MSB về định hướng cũng như kết quả tìm kiếm nhà đầu tư của ngân hàng trong thời gian qua.
Xin ông có thể chia sẻ về kế hoạch lên sàn của MSB? Vì sao ngân hàng lại chọn niêm yết trong năm nay?
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng có thể chọn lên Upcom hoặc thị trường chứng khoán, tuy nhiên, MSB quyết định lên sàn chứng khoán luôn.
Trong mấy năm qua, MSB đã đi qua giai đoạn chuyển đổi rất lớn. Trước đây, ngân hàng chủ yếu tập trung nhiều vào khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, sau đó, hệ thống ngân hàng bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng, MSB cũng không nằm ngoài bối cảnh chung.
Lúc đó, ngân hàng hầu như dừng hoạt động cho vay để đánh giá lại tình hình, tái cơ cấu, xác định lại chiến lược và rồi quyết định chuyển mục tiêu sang doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân.
Đến thời điểm này, có thể nói ngân hàng đã qua giai đoạn chuyển đổi, tập trung phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân; đồng thời, tập trung xử lý nợ xấu, đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ, sử dụng dữ liệu lớn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ.
Và như bạn đã thấy, từ năm 2018, chiến lược của chúng tôi đã bắt đầu hiệu quả phát huy tốt, bước sang giai đoạn thăng hoa mà minh chứng lớn nhất có lẽ được thể hiện trên kết quả kinh doanh đã được công bố. Do vậy, chúng tôi quyết định chọn sẽ niêm yết luôn trong năm nay.
Như ông vừa nói, các hoạt động tái cơ cấu từ giai đoạn trước đã bắt đầu cho "quả ngọt". Ông có thể nói rõ hơn về quá trình này?
Chiến lược nhất quán của MSB là tập trung vào bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận thị trường theo một số đầu tàu.
Chúng tôi có lợi thế là sở hữu khối dữ liệu, thông tin khách hàng cực lớn. Đặc biệt, đã xây dựng được mô hình quản trị rủi ro rất mạnh, giúp sàng lọc khách hàng và chúng tôi chỉ tiếp cận những khách hàng tốt, và tiếp cận đồng bộ trên toàn hệ thống.
Theo đó, 5 tháng đầu năm nay, doanh số giải ngân tại mãng kinh doanh bán lẽ tăng gấp 5 lần và mãng SME tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy dư nợ tín dụng bán lẽ 5 tháng đầu năm tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng dư nợ của SME cũng tăng tới 61%.
Ngoài việc thu hút khách hàng thông qua tín dụng, MSB còn chú trọng thu hút qua các kênh khác như các dịch vụ, ngân hàng giao dịch,... Nhờ đó, doanh số Banca tăng 51% so với cùng kỳ 2018, còn khách hàng cá nhân và SME gia tăng số lượng giao dịch rất nhiều, qua đó duy trì số dư CASA (tiền gửi không kỳ hạn) rất lớn.
Hiện MSB đang nằm trong top 3 thị trường về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi, chủ yếu là từ cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lợi thế rất lớn của ngân hàng.
Về chất lượng tín dụng, thời gian trước chúng tôi phải tập trung xây dựng quy trình quản trị rủi ro, đầu tư công nghệ,... Và bây giờ, mọi thứ đã bắt đầu đi vào qũy đạo và phát huy hiệu quả. Chất lượng tín dụng được đảm bảo. Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng 61% cùng kỳ năm trước trong khi trích lập dự phòng chỉ ở mức 0,01% trên tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức hơn 2%, tuy nhiên, chủ yếu nợ xấu là từ thời kỳ trước, ngân hàng vẫn đang xử lý. Còn danh mục cho vay hiện tại thì cực kỳ tốt.
Với kế hoạch niêm yết sắp tới, nhìn chung trên thị trường chứng khoán có thể thấy các mã cố phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay không mấy khả quan. Ông có lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu MSB khi lên sàn trong thời gian tới không, thưa ông?
Khách quan mà nói, thời điểm này thị trường rõ ràng là không mấy thuận lợi, tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng tới kế hoạch niêm yết của MSB. Bởi, chiến lược của MSB là nhìn về lâu dài, chúng tôi tin tưởng vào định hướng hướng kinh doanh, cũng như kết quả mình đã, đang và sẽ đạt được.
Chúng tôi vừa thực hiện roadshow tại Thái Lan, Singapore và sắp tới là tại Hồng Kông, với sự tham gia của rất nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới như JPMorgan, IFC,....
Qua những lần tiếp xúc, chúng tôi thấy các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn rất tích cực về Việt Nam, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt nên họ đặc biệt quan tâm vào đầu tư tài chính ngân hàng.
Riêng với MSB, qua những buổi tiếp xúc, các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra rất quan tâm tới ngân hàng bởi có chiến lược rõ ràng, sắc nét liên quan đến khách hàng mục tiêu, năng lực quản trị rủi ro tốt.
Đặc biệt, họ đánh giá rất cao định hướng về mặt công nghệ của MSB. Tại Bangkok, ngay sau buổi roadshow đã có nhà đầu tư làm việc với nhà tư vấn HSC, xác định sẽ mua cổ phiếu của chúng tôi. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Về định hướng tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi muốn tìm nhà đầu tư lớn, còn nhà đầu tư chiến lược trong đợt IPO này thì không phải là mục tiêu hàng đầu. Và điều quan trọng, là họ phải sẵn sàng gắn bó lâu dài, chung tay với MSB cùng thúc đẩy ngân hàng phát triển.
Được biết MSB có ý định mở rộng hoạt động thị trường EU, điều gì ở thj trường nay hấp dẫn MSB đến vậy, thưa ông?
Như đã đề cập về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và những cơ hội kinh doanh mới, việc hiệp định EVFTA đang được kỳ vọng ký kết sớm giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra thị trường cực kỳ tiềm năng và hứa hẹn tăng trưởng nhanh về giao thương xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam.
Vì vậy chúng tôi đang xem xét cơ hội mở rộng hoạt động tại thị trường EU để nắm bắt cơ hội phục vụ nhu cầu tài chính xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
MSB sẽ mở chi nhánh tại đó hay mua một tổ chức tài chính khác? Ngân hàng đã nhắm cụ thể được tổ chức tín dụng nào chưa và ngân hàng dự định sẽ tập trung vào mảng nào tại đây, thưa ông?
Hiện chúng tôi đang xem xét các phương án, và khi đánh giá xem xét thấy cơ hội nào phù hợp thì chúng tôi sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để xin phép triển khai.