Ngân hàng lớn vẫn gặp lực cản tăng vốn
Vì sao Ngân hàng Nhà nước không tăng chỉ tiêu tín dụng? | |
M&A lĩnh vực ngân hàng: Tăng quy mô và nâng cao sức cạnh tranh |
Ngân hàng có vốn nhà nước đang "mắc kẹt"
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s có báo cáo đánh giá về tình hình hoạt động của các ngân hàng Việt Nam. Theo báo cáo này, tuy đánh giá kỳ vọng về chỉ số lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, nhưng tổ chức này tỏ ra lo ngại nguồn vốn nội bộ sẽ không đủ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng.
Từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với hiện tại |
Theo tính toán của Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng cho vay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019. Nếu không tăng vốn bên ngoài được, Moody’s ước tính tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng thuộc khu vực tư nhân được xếp hạng sẽ giảm xuống còn 8% vào cuối năm 2019 thay vì mức 9,4% vào cuối năm 2017. Trong khi các ngân hàng có vốn nhà nước được xếp hạng giảm xuống chỉ còn 6,1% thay vì 6,9%.
Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II, nhất là khối các NHTM nhà nước.
Những áp lực trên đã thúc các NHTMCP đẩy mạnh hoạt động tăng vốn qua nhiều hình thức. Có chuyên gia còn cho rằng, khá lâu kể từ đợt tăng vốn để tuân thủ mức pháp định giai đoạn 2008-2011, thị trường ngân hàng mới chứng kiến một đợt tăng vốn mạnh như thời gian qua. Nổi bật là VPBank thông qua kế hoạch tăng vốn tới 70% lên mức 25.200 tỷ đồng. MB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng, OCB tăng 50% lên 7.500 tỷ đồng, SeABank tăng 65% lên 9.000 tỷ đồng...
Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng có may mắn hoàn thành được mục tiêu tăng vốn, dù đã triển khai trong nhiều năm qua. Đặc biệt là khối NHTM nhà nước không được quyền tự quyết “của để dành” của mình để tăng vốn. Do vậy, tốc độ tăng trưởng vốn tự có của nhóm này chậm hơn, thậm chí trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu sụt giảm.
Theo thống kê NHNN, tính đến ngày 31/5/2018, vốn tự có của khối NHTM nhà nước là 252.472 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 giảm 0,86%. Trong khi đó, khối NHTMCP có tổng vốn tự có là 315.340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 8,50%.
Theo một lãnh đạo NHNN, một trong những nguyên nhân dẫn tới vốn tự có của khối NHTM nhà nước, trừ Agribank, 3 ngân hàng còn lại là VietinBank, Vietcombank, BIDV đều đang phải tham gia tái cơ cấu đối với các ngân hàng yếu kém như GPBank, Oceanbank… Nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đó là các ngân hàng trên đang rất khó khăn trong việc tăng vốn…
Khó khăn trên đã được lãnh đạo các NHTMCP có vốn nhà nước đề xuất kiến nghị ngay từ đầu năm. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề xuất giữ lại 50% cổ tức của nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn bởi CAR của Vietcombank đã sát ngưỡng an toàn theo quy định.
Với 8.849 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017, theo tính toán của ngân hàng này, sau khi trích lập các quỹ, trả thù lao… sẽ còn khoảng 2.878 tỷ đồng được chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8% cho cổ đông. Như vậy, với tỷ lệ sở hữu của nhà nước là 77,11% vốn điều lệ, Vietcombank sẽ chuyển về ngân sách nhà nước khoảng 2.219 tỷ đồng trong thời gian tới.
Cách nào gỡ khó
Thực tế, không phải đến thời điểm này, câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt của các NHTM nhà nước mới được đề cập tới. Còn nhớ, cách đây hai năm, câu chuyện tăng vốn được đặt ra đối với các NHTM có vốn nhà nước nhất là các ngân hàng nhiều năm chưa được tăng vốn như VietinBank…
Mọi việc tưởng chừng như xong xuôi đối với kế hoạch tăng vốn của BIDV và VietinBank khi thông qua quyết định chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu. Nhưng sau đó Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị NHNN chỉ đạo hai ngân hàng trên chia cổ tức bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách. Bất ngờ nữa, sau một thời gian nhùng nhằng, không chia cổ tức của VietinBank, BIDV, mà cả cổ tức của Vietcombank đều phải chia bằng tiền mặt nộp về ngân sách nhà nước từ đó đến nay.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, có thể thời điểm trước ngân sách còn khó khăn nên yêu cầu trên cũng là tình thế cấp bách. Nhưng nay, thu ngân sách cũng đã cải thiện hơn. Vấn đề tăng vốn trở nên cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống ngân hàng, nhất là bối cảnh hiện nay, các cú sốc có thể đến từ bên ngoài. Nếu không có bộ đệm tốt, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn xoay sở ứng phó.
Hiện 4 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng khoảng 1/2 tổng tài sản và 40% hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng. Do đó nếu các ngân hàng này không tăng được vốn, thậm chí giảm sẽ đưa cả hệ thống vào rủi ro. Thống kê của NHNN cho biết, tại thời điểm cuối tháng 5/2018 tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của khối NHTM nhà nước chỉ là 9,39%, thấp nhất trong hệ thống. Nếu áp dụng quy định khắt khe của Basel II chắc chắn các ngân hàng trên khó có thể đáp ứng được quy định.
“Có một thực tế nữa là nếu không tăng được vốn, các NHTM nhà nước sẽ không được tăng tổng tài sản có rủi ro, khó tăng trưởng tín dụng và đương nhiên không thể thực hiện được nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm vai trò trụ cột trong hệ thống”, một lãnh đạo NHNN chia sẻ.
Trong khi theo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đang hướng các NHTMCP có vốn nhà nước vươn tầm khu vực. Nếu không thực hiện được tăng vốn tự có mục tiêu trên khó có thể trở thành hiện thực. Trước những thách thức đặt ra, các chuyên gia cho rằng về phía nhà nước nên cân đối tính toán thứ tự ưu tiên tăng vốn trong bối cảnh hiện nay thay vì gây áp lực thu ngân sách. Trong năm 2018, hoạt động kinh doanh ngân hàng đều khả quan, lợi nhuận tiếp tục khởi sắc… Đây là cơ hội thuận lợi cho các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nhà nước phải tạo điều kiện cho các NHTM tăng vốn và đây cũng là thực hiện một trong những nội dung quan trọng của Đề án 1058 tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD. Trong đề án nêu rõ cần tạo điều kiện có phương án cho các NHTM nhà nước tăng vốn. Việc cho phép các ngân hàng này giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là một trong những biện pháp đó.
Ngoài ra, theo TS. Lực đề xuất cần phải đẩy nhanh tốc độ phê duyệt nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vì nhà đầu tư nước ngoài không thể kiên nhẫn chờ đợi quá lâu và các ngân hàng Việt Nam sẽ bỏ qua mất cơ hội quan trọng này. Hiện tại, gọi vốn đầu tư nước ngoài đang được xem là con đường ngắn nhất và mang lại giá trị cao trong bối cảnh hiện nay khi mà khó có thể tìm được tổ chức trong nước có nguồn lực tài chính mạnh rót vốn đầu tư vào ngân hàng như giai đoạn trước kia.