Ngân hàng làm gì khi hết cửa tăng tín dụng?
HDBank có thể nới ‘room’ tín dụng lên 30 – 40% nếu hoàn tất sáp nhập PGBank trước quý IV? |
Một trong những nội dung Chỉ thị 04 mới đây của Thống đốc Lê Minh Hưng là chỉ đạo về tăng trưởng tín dụng. Theo đó, cơ quan này sẽ không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2018, trừ những trường hợp đặc biệt như việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Với tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành trong nửa đầu năm khoảng 6,5%, hạn mức 12-14% cấp cho từng ngân hàng từ cơ quan điều hành hồi đầu năm có thể xem là dư địa đủ lớn cho tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng ngân hàng, không phải mọi cái tên đều có đủ "hầu bao" dự trữ cho những tháng cuối năm.
Dù tín dụng có dấu hiệu chậm lại và tăng thấp hơn so với mức tăng của lợi nhuận, nhưng không ít nhà băng trong nhóm đầu đã tăng trưởng gần hoặc vượt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm khiến không ít chủ nhà băng đang trong cảnh "đứng ngồi không yên" để co kéo hoạt động.
"Nhiều ngân hàng thương mại đã có mức tăng trưởng cho vay cao hơn bình quân trong 6 tháng đầu năm, có vẻ như tín dụng tại những ngân hàng trên sẽ không thể tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm", Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) bình luận về quyết định mới đây của cơ quan điều hành.
LienVietPostBank - ngân hàng đứng thứ ba về tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm, là nhà băng đầu tiên hành động sau quyết định này từ cơ quan điều hành. Ngân hàng này vừa thông báo điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2018 giảm 33%, từ 1.800 tỷ xuống còn 1.200 đồng.
"Năm 2017, LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng 20% nên đầu năm nay xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa theo mức tăng trưởng này, dù phê duyệt đầu năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước là 14%", ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch LienVietPostBank cho biết. Tuy nhiên, "thiết quân luật" từ cơ quan điều hành khiến nhà băng này phải điều chỉnh chỉ tiêu hoạt động tương xứng.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược cho biết, LienVietPostBank vẫn còn dư địa cho vay trong nửa cuối năm, khi một số khoản vay lớn đến hạn sẽ mở ra "quota" mới cho tín dụng. Tuy nhiên, việc giới hạn tăng trưởng 14% so với kế hoạch đầu năm của nhà băng này từ 20-21% ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động.
Thay vì tập trung vào dư nợ cấp mới, nhà băng lên kế hoạch tái cấu trúc lại cơ cấu tín dụng theo hướng giảm dần các khoản vay cho khách hàng lớn và tập trung vào mảng bán lẻ với khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Đây là phân khúc khách hàng có lãi suất cao hơn, giúp cải thiện phần nào NIM của ngân hàng khi tăng trưởng bị giới hạn", bà Thanh Sơn chia sẻ.
Giao dịch tại quầy của một ngân hàng. Ảnh: Anh Tú |
Biện pháp từ LienVietPostBank cũng là một trong bốn biện pháp được HSC nhắc đến trong báo cáo mới đây có thể giúp các ngân hàng phần nào tránh được ảnh hưởng từ Chỉ thị 04.
Theo công ty chứng khoán này, các ngân hàng còn có thể thay đổi lãi suất theo hướng giảm lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh thu ngoài lãi và giảm chi phí hoạt động; hoặc một biện pháp khác là tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém để vào trường hợp đặc biệt được phép nới "room" tín dụng.
HDBank - ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm, là trường hợp được HSC đánh giá "ngoại lệ" nhờ biện pháp thứ ba ở trên. Theo Chỉ thị 04, các ngân hàng đang hỗ trợ các ngân hàng yếu kém trong quá trình tái cơ cấu sẽ được cân nhắc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Và HDBank hiện đang đợi phê duyệt nguyên tắc từ Ngân hàng Nhà nước đối với kế hoạch sáp nhập với PGBank.
"Trong trường hợp khả quan nhất, nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua trước quý IV, chúng tôi ước tính HDBank có thể được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 30-40%", HSC cho biết. Tuy nhiên, trong trường hợp phương án sáp nhập không được thông qua, nhà băng này còn hai "cửa" để giảm bớt ảnh hưởng từ Chỉ thị 04 là dồn chỉ tiêu cho HDSaison - công ty tài chính do HDBank sở hữu 50% vốn hoặc làm chậm lại việc huy động tiền gửi.
Với những biện pháp này, HSC cho rằng, dù cơ quan điều hành không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho bất cứ ngân hàng nào, ảnh hưởng của Chỉ thị 04 "nhiều khả năng sẽ ít hơn dự báo".
Tuy nhiên, mô hình dự báo luôn tồn tại những rủi ro, vẫn có hai giả định được HSC lưu ý có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Thứ nhất, nhiều ngân hàng sẽ không muốn ngừng tăng trưởng huy động khách hàng, cho dù tăng trưởng tín dụng bị giới hạn. Ảnh hưởng của điều này là tỷ lệ NIM sẽ sụt giảm trong tương lai. Và giả định thứ hai là việc chênh lệch giữa tỷ lệ thực tế và kế hoạch từ đầu năm có thể đẩy một số khoản vay thành nợ xấu khi khách hàng không được cấp vốn đầy đủ. Đơn cử như việc cấp vốn cho một số dự án không như kế hoạch có thể ảnh hưởng đến dòng tiền, hoặc một số khoản vay không còn dư địa để đảo nợ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/