|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng không lãi suất sống khỏe qua khủng hoảng và quản lý hàng nghìn tỷ USD bằng cách nào?

19:11 | 14/06/2021
Chia sẻ
Đặc điểm thú vị của các ngân hàng Hồi giáo là không trả lãi cho người gửi tiền và không đòi lãi từ người đi vay. Nghe có vẻ phi lý nhưng nguyên tắc này đã giúp ngân hàng Hồi giáo sống sót tốt trong khủng hoảng tài chính.
Ngân hàng không tính lãi suất hoạt động thế nào? - Ảnh 1.

Cờ của các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại cung điện Bayan ở thành phố Kuwai năm 2017. Phần lớn các ngân hàng Hồi giáo trên thế giới đều thuộc khu vực GCC. (Ảnh: AFP)

Chia sẻ rủi ro

Quy định nổi tiếng nhất trong thế giới tài chính Hồi giáo là cấm cho vay lãi, tức là người cho vay không được tính lãi và người đi vay không phải trả lãi. Ngân hàng tuân theo Luật Hồi giáo dĩ nhiên cũng không cung cấp các khoản vay tính lãi, theo tạp chí Global Finance.

Nếu không có lãi suất thì làm thế nào để các ngân hàng Hồi giáo kiếm tiền? Thay vì cho khách hàng vay tiền mua nhà, mua xe rồi tính lãi, ngân hàng Hồi giáo sẽ mua tài sản mà khách hàng muốn – như nhà cửa, xe hơi, tủ lạnh – rồi đem chúng cho thuê hoặc bán lại cho khách theo hình thức trả góp với giá cao hơn giá mua.

Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng được xác định từ trước. Ngân hàng không thể tăng giá bán tài sản một khi đã ký hợp đồng với khách. Để đề phòng người đi vay trễ hạn trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, ngân hàng đặt ra các điều khoản như bảo lãnh từ bên thứ ba, đảm bảo bằng tài sản thế chấp hoặc khách hàng phải nộp phạt cho một tổ chức từ thiện Hồi giáo.

Ý niệm chính ở đây là chia sẻ rủi ro: ngân hàng tạo ra lợi nhuận từ giao dịch, đây là phần thưởng cho rủi ro mà họ nhận lãnh cùng khách hàng. Thay vì làm giàu từ lãi suất, ngân hàng Hồi giáo sử dụng tiền của khách hàng để mua tài sản như bất động sản hay doanh nghiệp và thu lời khi khoản vay được hoàn trả đầy đủ.

Điều đáng chú ý là mọi giao dịch, khoản đầu tư trong hệ thống ngân hàng Hồi giáo đều phải phản ánh giá trị Hồi giáo. Điều này đồng nghĩa với việc nghiêm cấm các giao dịch liên quan đến sản xuất rượu, vũ khí, chăn nuôi lợn hay cờ bạc. 

Huy động tiền gửi

Nhìn chung có thể chia tiền gửi trong ngân hàng Hồi giáo làm hai loại: tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi đầu tư.

Tiền gửi không kỳ hạn: Tương tự như tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng tính lãi, khách hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Vai trò của ngân hàng là đảm bảo an toàn cho khoản tiền. Khi mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, người gửi tiền đồng ý cho ngân hàng dùng tiền để cho vay. Mọi khoản lỗ phát sinh từ hoạt động cho vay đều do ngân hàng gánh chịu. 

Tương tự, ngân hàng cũng hưởng toàn bộ lãi được tạo ra từ hoạt động cho vay này, người gửi tiền không được trả lãi.

Tiền gửi đầu tư: Ngân hàng không đảm bảo giá trị khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được giữ nguyên vẹn và cũng không cung cấp tỷ suất sinh lời cố định. Trong trường hợp ngân hàng ghi nhận lỗ vì quyết định đầu tư tồi, khách hàng có thể mất một phần hoặc toàn bộ số tiền gửi của mình. Tuy nhiên, nếu ngân hàng báo lãi, khách hàng sẽ được chia lợi nhuận. Thỏa thuận hợp đồng duy nhất giữa ngân hàng và khách hàng là tỷ lệ ăn chia lãi lỗ.

Ưu điểm của ngân hàng không tính lãi

Các ngân hàng không trả lãi đã chứng tỏ được bản thân trong giai đoạn khủng hoảng.

Do luật Hồi giáo quy định rằng kiếm tiền từ tiền là sai trái, các tổ chức tài chính tuân theo luật này có xu hướng hạn chế tham gia vào các hoạt động đầu cơ. Các tổ chức này thường tránh những công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai hay quyền chọn và thích nắm giữ tài sản gắn liền với nền kinh tế thực.

Xu hướng trên đã bảo vệ các ngân hàng Hồi giáo khỏi khủng hoảng tài chính 2008. Khác với các ngân hàng thông thường, ngân hàng Hồi giáo không dính líu đến tài sản độc hại và chống chịu được cú sốc tốt hơn, báo cáo năm 2010 của IMF kết luận.

Đây là lý do chính giúp ngân hàng Hồi giáo có hình ảnh đáng tin cậy và ổn định trên thế giới.

Phạm vi ảnh hưởng chính của tài chính Hồi giáo dĩ nhiên nằm ở thế giới Arab, nhờ dân số chủ yếu theo đạo Hồi. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (viết tắt là MENA, không bao gồm Iran) có tới 190 ngân hàng Hồi giáo. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) thống trị thế giới tài chính Hồi giáo, chiếm hơn 90% tài sản tuân thủ luật Hồi giáo của khu vực MENA.

Ngân hàng không lãi suất sống khỏe qua khủng hoảng và quản lý hàng nghìn tỷ USD bằng cách nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Asian Banker Research, S&P Global Market Intelligence

Năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng Hồi giáo toàn cầu tăng 14% lên khoảng 1.990 tỷ USD. Như vậy, ngân hàng Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng tài sản ngân hàng trên toàn thế giới nhưng lại tăng trưởng nhanh hơn các đối thủ. 

Năm 2019 ghi nhận tốc độ vượt bậc khi xét rằng tăng trưởng tài sản trung bình hàng năm của các ngân hàng Hồi giáo trong giai đoạn từ 2015 đến 2018 chỉ là 5%. Tổng giá trị tài sản ngân hàng Hồi giáo toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Giang