Muôn vẻ chuyện rót vốn vào ngân hàng Việt: 'Á vào Âu ra' và những cái bắt tay hợp tác hai bên cùng có lợi
Bất chấp những khó khăn do COVID-19, Việt Nam trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy rằng chưa đủ để thu hút những "ông lớn" nhưng nhiều ngân hàng Việt vẫn có sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (NĐT) trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,...
Theo phân tích mới đây, ADB đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay ở mức 6,7% và 7% trong năm 2022, đồng thời GDP của Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng bất chấp sự bùng phát của COVID-19 tại các nước láng giềng.
Đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế, không bất ngờ khi các ngân hàng Việt ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ là bỏ vốn thành lập ngân hàng riêng, họ cũng có muôn vàn cách để gia nhập thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam.
Rót vốn vào công ty tài chính tiêu dùng
VPBank, HDBank và MB là ba ngân hàng tiêu biểu có các thương vụ hợp tác với đối tác Nhật Bản qua các công ty tài chính tiêu dùng.
Mới đây nhất, VPBank đã ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, thuộc một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ này có mức định giá lên tới 2,8 tỷ USD.
FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại thị trường châu Á của tập đoàn SMBC. Theo thông tin từ SMBC, kế hoạch đầu tư vào FE Credit nằm trong chiến lược trung hạn mở rộng nền tảng kinh doanh của tập đoàn này tại thị trường Châu Á.
Trước đó, HDBank đã bán 49% vốn công ty tài chính HD Finance cho đối tác Nhật Bản là Credit Saigon, sau đó đổi tên thành HD Saison. Tương tự, MB cũng thực hiện bán 49% công ty tài chính Mcredit cho Shinsei, một tổ chức tài chính hàng đầu Nhật Bản.
Tài chính tiêu dùng được xem là "con gà đẻ trứng vàng" tại thị trường Việt Nam với tỷ suất lợi nhuận cao, thị trường tiềm năng với dân số trẻ. Do đó, việc hút vốn ngoại vào mảng này là không phải là điểm mới nhưng vẫn luôn được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Trở thành cổ đông chiến lược
Mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược là một trong những phương thức đầu tư phổ biến nhất của các NĐT nước ngoài vào các ngân hàng Việt.
Trong năm 2020, ngân hàng Nhật Bản Aozora đã chi hơn 3.200 tỷ đồng để sở hữu 15% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Phương Đông (OCB). Thương vụ được bình chọn trong Top 10 thương vụ M&A tiêu biểu của năm 2020.
Hay BIDV thành công bán 15% vốn cho đối tác ngoại KEB Hana (Hàn Quốc) sau nhiều năm đàm phán. Tổng giá trị thương vụ đạt 20.295 tỉ đồng, theo ước tính thời điểm đó khoảng 878 triệu USD.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã có những mối quan hệ khăng khít với nhà đầu tư chiến lược như Vietcombank và Mizuho Bank (Nhật Bản). VietinBank và MUFG Bank (Nhật Bản); VIB với CBA (Australia). Phần lớn những hợp tác trên đều mang lại lợi ích tốt đẹp cho cả hai phía cho tới thời điểm hiện tại.
Eximbank và SMBC là một trong những ngoại lệ khi rối loạn về thượng tầng, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông khiến cho vai trò cổ đông chiến lược nước ngoài trở nên vô hình. Đó cũng là nguyên nhân khiến SMBC tìm kiếm cơ hội khác từ FE Credit và theo đồn đoán có thể sẽ rút vốn tại đây để đầu tư vào ngân hàng khác.
Mua lại mảng kinh doanh
Năm 2017, khi ANZ muốn rút bớt hoạt động tại thị trường Việt Nam, Shinhan Việt Nam đã nhanh chóng mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng này.
Sau thương vụ, Shinhan Bank liên tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trên 30% trong giai đoạn 2017-2019. Trong năm 2020, dù chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19, lợi nhuận trước thuế của Shinhan Bank vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn 8%, lên mức 3.070 tỷ đồng.
Trong khi đó, ANZ lại phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh lợi nhuận từ 1.064 tỷ đồng xuống 193 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết rời bỏ mảng bán lẻ vì muốn chuyển hướng tập trung vào giao dịch ngân hàng, thị trường tài chính, cho vay hợp vốn và thị trường nợ.
Hợp tác với fintech
Không chi là góp vốn, NĐT cũng có nhiều lựa chọn khác để tham gia vào thị trường Việt Nam. Mới đây, CIMB, ngân hàng lớn đến từ Malaysia, cũng có những động thái mới cho việc mở rộng tệp khách hàng tại Việt Nam.
Cụ thể, CIMB đã ký hợp tác với ứng dụng Finhay, fintech cung cấp dịch vụ đầu tư - tích lũy vừa và nhỏ với khoảng 1 triệu người dùng, nhằm phát triển hệ sinh thái đối tác của mình với khởi đầu là việc phát hành thẻ đồng thương hiệu CIMB - Finhay trên ứng dụng Finhay đi kèm với tài khoản ảo.
Sự hợp tác giữa CIMB và Finhay là câu chuyện tiêu biểu trong xu thế tài chính nhúng - nơi các định chế tài chính ngân hàng hợp tác với các fintech để đem lại tiện ích đa dạng cho khách hàng.
Tổng giám đốc CIMB tại Việt Nam, ông Thomson Fam Siew Kat cho biết đã đến lúc các ngân hàng truyền thống bắt đầu một trận chiến mới mà không nhất thiết phải diễn ra trên sân nhà.
Muôn vàn lý do khiến người muốn vào, kẻ muốn ra
Trong khi các nhà đầu tư châu Á nhộn nhịp rót vốn vào Việt Nam, nhiều NĐT phương Tây có kế hoạch thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động.
Không chỉ ANZ, mới đây Citigroup thông báo sẽ rút khỏi mảng thị trường bán lẻ tại Trung Quốc, Ấn Độ và 11 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tổng Giám đốc điều hành của Citigroup, bà Jane Fraser, cho biết những thị trường mà Citigroup rút khỏi đều là những nơi mà tập đoàn không có đủ quy mô cần thiết để cạnh tranh.
Tuy nhiên, ngân hàng sẽ vẫn cung cấp các dịch vụ cho nhóm khách hàng tổ chức và tập trung vào mảng quản lý tài sản - nơi ngân hàng có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trước đây, các ngân hàng như Deutsche Bank, Bank of America hay một số ngân hàng của Pháp đã vào thị trường Việt Nam từ rất sớm nhưng dần dần phải rút khỏi Việt Nam. Các ngân hàng còn lại như Citibank, HSBC, ANZ hay Standard Chartered tiếp tục trụ lại nhưng hoạt động cũng không quá phát triển.
Có thể nói, các nhà đầu tư trong ngành ngân hàng của phương Tây rút khỏi Việt Nam rất nhiều do thị trường trở nên kém hấp dẫn với họ, trong đó yếu tố chính là rủi ro về nợ xấu và mặt bằng lãi suất huy động cao
Ông Hiếu nhận định thị trường Việt Nam rất rủi ro đối với các nhà đầu tư phương Tây. Theo đó, một trong những lý do các nhà đầu tư này lo ngại khi tiếp xúc với các ngân hàng tại Việt Nam là rủi ro rửa tiền.
Theo ông, các doanh nghiệp ở Việt Nam khi vay tiền không có hệ thống chấm điểm tín dụng như các nước khác, do vậy, cho vay ở Việt Nam rất rủi ro, khiến các nhà đầu tư không mặn mà trong vấn đề huy động. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng nước ngoài hoạt động không hiệu quả tại Việt Nam.
Chia sẻ thêm, ông Hiếu cho biết trái ngược với các ngân hàng Tây phương thì các ngân hàng châu Á lại mặn mà với thị trường Việt Nam. Cụ thể, rất nhiều ngân hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore mua cổ phần tại các ngân hàng Việt.
Với các ngân hàng Châu Á, họ hiểu được các kinh doanh của ngân hàng Việt nên nhảy vào cuộc ở Việt Nam nhiều hơn. Các ngân hàng này nhìn nhận thấy sự tương đồng trong văn hoá kinh doanh tại Việt Nam, do đó họ hiểu được cách kinh doanh và chấp nhận được rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Trên cơ sở những nhận định trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng xu hướng các nhà đầu tư châu Á mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam sẽ kéo dài ít nhất là trong 5 năm. Ông Hiếu đánh giá sẽ chưa có sự chuyển biến ngược chiều xu hướng này trong khoảng thời gian tới.