Đối tác bí ẩn và kỳ vọng từ thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược ngoại của VPBank
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã khóa room ngoại ở mức 15%. Đây được cho là động thái “dọn đường” của VPBank để đón cổ đông chiến lược nước ngoài theo như kế hoạch được lãnh đạo ngân hàng chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên.
Ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và thậm chí còn "để dành" cả phần cổ phiếu quỹ để chào bán cho đối tác.
Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết tại đại hội, VPBank sẽ để mở room ngoại tối đa, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược và có thể phát hành cổ phiếu vào cuối năm nay để huy động vốn cho ngân hàng.
Theo đồn đoán trên thị trường, nhiều khả năng Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC), nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đối tác vừa mua 49% vốn tại FE Credit, sẽ là ứng viên tiềm năng cho vị trí "cổ đông chiến lược" mà VPBank đang tìm kiếm.
Thông tin này càng được củng cố hơn khi Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị tư vấn cho thương vụ SMBC và FE Credit, để ngỏ trong một báo cáo mới đây rằng nhà đầu tư chiến lược mà VPBank chào bán cổ phần nhiều khả năng sẽ là đối tác đến từ Nhật Bản.
Theo giả định của VCSC, VPBank sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược theo nhiều giai đoạn. Trong đó, đợt đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2021 với việc bán 60,2 triệu cổ phiếu quỹ. Tiếp theo là đợt chào bán lớn hơn 344 triệu cổ phiếu trong năm 2022 (tỷ lệ cổ phiếu sơ cấp/thứ cấp là 50:50).
SMBC không phải là một cái tên mới tại thị trường Việt Nam khi xuất hiện từ những năm 1994 và đầu tư vào Eximbank từ năm 2007. Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm rót vốn, nhà đầu tư đã phải nếm nhiều "trái đắng" khi giá cổ phiếu EIB trồi sụt, nhiều năm liền không trả cổ tức và hiện tại mất cả tiếng nói trong HĐQT mặc dù vẫn sở hữu 15% cổ phần tại ngân hàng.
Khi cái bắt tay với Eximbank gần như đi đến ngõ cụt thì SMBC dường như đã tìm được một cơ hội mới tại thị trường 100 triệu dân khi đi đến thỏa thuận mua 49% cổ phần tại FE Credit vào tháng 4 vừa qua.
Yếu tố cơ bản ổn định, khả năng sinh lời cao,... là những điểm nhấn tạo sức hút đối với các nhà đầu tư ngoại khi cân nhắc rót vốn vào VPBank. Với SMBC, nếu việc hợp tác với VPBank trở thành sự thật thì mối quan hệ giữa hai bên càng trở nên mật thiết hơn, "đã thân nay càng thân".
Không chỉ sở hữu công ty tài chính có thị phần lớn nhất Việt Nam, VPBank nằm trong nhóm những ngân hàng tư nhân top đầu với kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng qua các năm, lọt Top 5 về lợi nhuận và Top 10 về tài sản của các ngân hàng trong nước.
Biên lãi thuần (NIM) của VPBank cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam với gần 9%, nhờ tỷ trọng cho vay tài chính tiêu dùng (khoảng 28%) và cho vay doanh nghiệp vừa nhỏ đến siêu nhỏ (khoảng 12 - 13%), theo số liệu quý I của Chứng khoán Maybank Kim Eng.
"Nhờ thu nhập hoạt động tăng mạnh, đặc biệt là từ thu nhập lãi thuần và kiểm soát chi phí hoạt động hợp lý, hệ số chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank cũng nằm trong nhóm thấp nhất ngành, dao động từ 30 - 39%", Maybank Kim Eng phân tích.
Một điểm trừ tại VPBank là có tỷ lệ nợ xấu trên 3% và chi phí tín dụng cao hơn so mặt bằng chung các ngân hàng (từ 4 - 6%), tuy nhiên đây là yếu tố ảnh hưởng do đặc thù cho vay tài chính tiêu dùng "rủi ro cao, lợi nhuận cao".
Chia sẻ tại đại hội cổ đông năm nay, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết tính đến cuối quý I, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt gần 56.000 tỷ đồng. Con số này được dự kiến sẽ đạt 90.000 tỷ đồng vào năm 2022, dựa vào một số nguồn thu trong năm bao gồm bán vốn tại FE Credit, lợi nhuận năm 2021 và ký lại hợp đồng bảo hiểm vào khoảng tháng 6/2021.
"Với lượng vốn như vậy, năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng", Chủ tịch Ngô Chí Dũng tiết lộ.
Đây là một con số tham vọng với mức tăng trưởng vốn điều lệ gần gấp 3 lần và ở mức cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, kỳ vọng tích cực của thị trường đối với thương vụ cũng hoàn toàn có cơ sở khi VPBank từng "ăn nên làm ra" sau một lần bắt tay với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trước đó.
Từ năm 2006 - 2008, một trong những ngân hàng lâu đời nhất Singapore, Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC), đã rót hàng trăm tỷ đồng để mua 15% cổ phần của VPBank, trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng khi đó. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2013, OCBC đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại VPBank.
Trong 8 năm hợp tác, với sự đồng hành của OCBC, hoạt động kinh doanh của VPBank đã có những chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đã tăng gấp 8 lần, từ 157 tỷ đồng (năm 2016) lên 1.355 tỷ đồng (năm 2013). Tổng tài sản tăng gấp 20 lần, dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng tăng lần lượt 10 lần và 16 lần.
Chưa rõ lý do nào khiến OCBC rút vốn khi khoản đầu tư đang sinh lời và có triển vọng tốt, tuy nhiên động thái này dường như cũng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng.
Sau khi OCBC thoái vốn, tăng trưởng lợi nhuận các năm sau đó của VPBank luôn đạt trên hai con số. Giai đoạn 2015 - 2017, tốc độ tăng trưởng thậm chí còn đạt ít nhất trên 60%. Trong năm 2021, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 16.654 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm trước.
Ngân hàng cũng liên tục đề cập tới việc tìm kiếm đối tác nước ngoài trong các đại hội cổ đông các năm sau đó nhưng vẫn chưa thành công cho tới hiện tại.
Dưới góc nhìn của giới phân tích, các chuyên gia đánh giá tích cực về triển vọng của VPBank sau khi chào bán cho cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, với giả định bán vốn thành công, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm nay của VPBank có thể tăng 35,3% lên 14.100 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất của ngân hàng sẽ tăng từ 11,7% năm 2020 lên 18,5% năm 2022.
Việc tỷ lệ CAR tăng theo từng giai đoạn sẽ cho phép VPBank tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 17,5% năm 2021 lên mức đỉnh 22,1% vào năm 2023 và sau đó giảm dần xuống 18,2% vào năm 2025.
Đồng thời, VCSC cũng đánh giá khoản mục tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên tổng nợ phải trả có phát sinh lãi (bao gồm cả tiền gửi) có thể tăng từ 2,5% vào năm 2020 lên 7% vào năm 2025, được thúc đẩy chủ yếu bởi tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức tín dụng bằng ngoại tệ sau sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ tăng, giúp giảm chi phí huy động hợp nhất từ 5,9% xuống 4,2% vào năm 2025.
Các chuyên gia của công ty chứng khoán SSI và Maybank Kim Eng cũng đánh giá rằng kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ có tác động tích cực đối với VPBank.
Cùng với sự thành công của thương vụ bán vốn tại FE Credit, việc VPBank tìm đối tác chiến lược là một trong những yếu tố thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư vào cổ phiếu VPB thời gian qua.
Trên thị trường chứng khoán, VPB là một trong những mã cổ phiếu ngân hàng có diễn biến giá tích cực nhất kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, sau 5 tháng đầu năm, thị giá cổ phiếu VPB đã tăng gấp 2,2 lần lên mức 71.700 đồng/cp (kết phiên 11/6).
Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng vọt kể từ cuối tháng 4, thời điểm những thông tin bán vốn tại FE Credit được công bố và trước thềm đại hội cổ đông.