|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận VPBank có thể tăng hơn 35% nếu có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản

09:08 | 08/06/2021
Chia sẻ
Theo VCSC, các chỉ tiêu hoạt động của VPBank có thể cải thiện đáng kể sau khi chào bán cho cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược mà nhiều khả năng sẽ là đối tác đến từ Nhật Bản.
Lợi nhuận VPBank có thể tăng hơn 35% với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Ảnh 1.

Hội sở VPBank trên đường Láng Hạ. (Ảnh: Lê Huy).

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) có thể tăng 35,3% lên 14.100 tỷ đồng, nâng giá mục tiêu của cổ phiếu lên 85.700 đồng/cp (tăng 66% so với giá mục tiêu trước đây).

Dự báo của VCSC được cập nhật với giả định VPBank chào bán cho một nhà đầu tư chiến lược mà nhiều khả năng là đối tác đến từ Nhật Bản theo nhiều giai đoạn. 

Trong đó, đợt đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2021 với việc bán 60,2 triệu cổ phiếu quỹ. Tiếp theo là đợt chào bán lớn hơn 344 triệu cổ phiếu trong năm 2022 (tỷ lệ cổ phiếu sơ cấp/thứ cấp là 50:50) để tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất từ 11,7% năm 2020 lên 18,5% năm 2022. 

Theo VCSC, tỷ lệ CAR tăng theo từng giai đoạn sẽ cho phép ngân hàng tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 17,5% năm 2021 lên mức đỉnh 22,1% vào năm 2023 và sau đó giảm dần xuống 18,2% vào năm 2025.

VCSC cũng đánh giá khoản mục tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên tổng nợ phải trả có phát sinh lãi (bao gồm cả tiền gửi) có thể tăng từ 2,5% vào năm 2020 lên 7% vào năm 2025.

"Điều này sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức tín dụng bằng ngoại tệ được thúc đẩy bởi sự hiện diện mà chúng tôi cho rằng sẽ là nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản", VCSC cho hay.

Trước đó, VPBank và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Giá trị thương vụ ước gần 1,4 tỷ USD.

Trong thương vụ này, VCSC, đóng vai trò là nhà tư vấn, và cũng được chuyển nhượng phần vốn góp tương đương với 1% vốn điều lệ FE Credit.

Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ tăng, giúp giảm chi phí huy động hợp nhất từ 5,9% xuống 4,2% vào năm 2025.

VCSC cho rằng khi nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào vị trí nhà đầu tư chiến lược của VPBank và sẽ làm gia tăng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng (bên phải trả) đáng kể, tương tự diễn biến tại Vietcombank và VietinBank, hai ngân hàng đều có đối tác chiến lược Nhật Bản là Mizuho Bank và MUFG.

Bên cạnh đó, sự tham gia vào 49% vốn của FE Credit từ Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) cũng tạo khả năng thay thế chi phí huy động tài trợ bằng giấy tờ có giá vốn có lãi suất cao bằng các khoản vay từ nước ngoài. 

Nhóm phân tích cũng đánh giá tỷ lệ CASA hợp nhất có thể tăng từ 15,6% vào năm 2020 lên 32% vào năm 2025 nhờ kế hoạch kinh doanh mới đây tại FE Credit có tên là ÜBank (một nền tảng ngân hàng kỹ thuật số dựa trên giấy phép ngân hàng của VPBank nhưng dành riêng cho khách hàng FE Credit).

Dự báo trong 3 năm tới, VCSC cho rằng biên lãi thuần (NIM) sẽ gần như duy trì ổn định, sau đó là giai đoạn gia tăng do chi phí huy động giảm từ năm 2024.

Lê Huy