|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng JBIC nhận chỉ trích khi tài trợ cho nhà máy nhiệt điện than Vân Phong của Việt Nam

08:48 | 24/04/2019
Chia sẻ
Một nhóm ngân hàng do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) dẫn đầu đã phê duyệt khoản vay trị giá gần 2 tỉ USD cho nhà máy nhiệt điện than Vân Phong của Việt Nam.
Ngân hàng JBIC nhận chỉ trích khi tài trợ cho nhà máy nhiệt điện than Vân Phong của Việt Nam - Ảnh 1.

Ngân hàng JBIC của Nhật Bản cùng một số ngân hàng khác đã kí khoản vay gần 2 tỉ USD cho nhà máy nhiệt điện than Vân Phong.

Nasdaq đưa tin, Ngân hàng JBIC thuộc sở hữu của Chính phủ Nhật Bản đã kí hợp đồng cho vay 1,99 tỉ USD cùng với các ngân hàng tư nhân gồm Mizuho Bank, Sumitomo Mitsu Trust Bank, MUFG Bank, Overseas-Chinese Banking Corp (OCBC), DBS Bank và Bank of China, theo tuyên bố vào cuối ngày 19/4 của ngân hàng JBIC.

Khoản vay này đã vi phạm một thỏa thuận được kí kết vào năm 2015 bởi các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - trong đó Nhật Bản cũng tham gia - nhằm hạn chế tài trợ nhà nước cho các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, Market Forces cho hay.

Phát ngôn viên của JBIC vào hôm 22/4 cho biết, dự án này vẫn phù hợp với các thỏa thuận chuyển tiếp theo hướng dẫn của OECD.

Ngân hàng JBIC và các nhà đầu tư đang bắt đầu hạn chế tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than nhưng vẫn tìm cách hỗ trợ cho các dự án.

Vào tuần trước, hai ngân hàng OCBC và DBS đã tuyên bố họ sẽ ngừng tài trợ cho nhiệt điện than nhưng sẽ hoàn thành các cam kết có trước đó, bao gồm nhà máy Vân Phong.

Các tổ chức phi chính phủ, gồm Market Forces và 350.org, trong những tuần gần đây đã dùng toàn trang quảng cáo trên tờ Financial Times để chỉ trích sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với nhiệt điện than.

Dự án Vân Phong sẽ ô nhiễm gấp 9 lần so với một nhà máy nhiệt điện than trung bình của Nhật Bản, theo Market Forces - tổ chức đã trích dẫn một bản đánh giá ảnh hưởng đến môi trường và xã hội của nhiệt điện than.

Đốt than giải phóng một lượng lớn CO2, một trong những khí thải gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Năm 2018, một báo cáo mang tính bước ngoặt của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cho biết, để giữ nhiệt độ Trái đất tăng 1,5 độ C (2,7 độ F) đòi hỏi những thay đổi chưa từng có trong các xã hội tiêu thụ năng lượng, đi lại và xây dựng.

 Theo Bộ Thương mại Việt Nam, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% năng lượng được tạo ra tại Việt Nam năm 2030. Nhập khẩu than của Việt Nam trong quí I/2019 đã tăng 150% so với một năm trước đó lên 9,4 triệu tấn, theo số liệu hải quan Việt Nam.

Trong đó, Indonesia cung cấp 40% lượng than trên, trong khi 30% đến từ Australia và phần còn lại đến từ Nga và Malaysia.

Trần Nam Thi