Ngân hàng Hàn Quốc bành trướng hoạt động ra nước ngoài do lợi nhuận lớn
Cuộc 'đổ bộ' vào thị trường Việt Nam của các ngân hàng Hàn Quốc |
Nguồn: theinvestor.com |
Lợi nhuận từ nước ngoài của các ngân hàng Hàn Quốc tăng cao
Những ngân hàng thương mại Hàn Quốc đang ngày càng mở rộng phạm vi của họ ra nước ngoài trong thời gian gần đây.
Dữ liệu thống kê gần đây cho thấy Woori Bank đã mở rộng mạng lưới toàn cầu của mình nhanh nhất trong khi Shinhan Bank là ngân hàng có lợi nhuận ở nước ngoài tăng trưởng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay.
Woori Bank, ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ tư tại Hàn Quốc, đã bổ sung 121 văn phòng trên toàn cầu vào năm 2018, nâng tổng số điểm giao dịch lên tới 422 vào cuối tháng 9.
Việc mở rộng nhanh chóng được hỗ trợ bởi việc mua lại VisionFund Campuchia, một công ty tài chính tập trung cho vay nhỏ vào tháng 6. Được thành lập vào năm 2003, công ty có 106 chi nhánh trong cả nước. Đây là lần thứ hai trong 4 năm, ngân hàng này đã tăng sự hiện diện ở nước này sau khi mua lại Woori Finance Campuchia.
Shinhan Bank, ngân hàng đứng thứ ba về tài sản, có khoảng 163 văn phòng ở nước ngoài. Họ đã thêm 6 văn phòng ở nước ngoài bao gồm cả mạng ở Mexico và Việt Nam trong năm nay.
Ngân hàng đứng thứ hai Hana Bank cũng ra mắt thêm 14 văn phòng mới, tất cả đều ở Myanmar, nâng tổng số điểm giao dịch ở nước ngoài lên tới 160. Ngân hàng Kookmin, ngân hàng đứng đầu về tài sản, đã tăng số văn phòng ở nước ngoài lên 26 sau khi thành lập 6 văn phòng mới (4 ở Myanmar và hai ở Campuchia).
Trong số đó, Hana Bank là ngân hàng có lãi cao nhất từ các đơn vị ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm với lợi nhuận ròng là 297,5 tỉ won (tương đương 264,33 triệu USD). Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận này đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn này, Shinhan Bank cũng đã chứng kiến bước nhảy vọt lớn nhất về lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, tăng 24,4% lên mức 244,8 tỉ won so với một năm trước. Tỷ lệ lợi nhuận từ nước ngoài cũng tăng lên 12,8% trong năm nay so với 11,6% một năm trước.
Sự tăng trưởng đột biến này chủ yếu đến từ Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam với 900.000 khách hàng, lớn nhất trong số các ngân hàng nước ngoài. Lợi nhuận từ Shinhan Việt Nam chiếm 31% trong tổng lợi nhuận từ nước ngoài của Shinhan trong 9 tháng đầu năm. Năm ngoái, Shinhan Việt Nam đã mua lại toàn bộ mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ Việt Nam và ra mắt dịch vụ cho vay.
Tổng lợi nhuận từ nước ngoài của 4 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Hàn Quốc |
KB Kookmin, ngân hàng có hoạt động kinh doanh tại nước ngoài là nhỏ nhất trong số năm ngân hàng thương mại hàng đầu, chứng kiến lợi nhuận ròng từ đây tăng gấp ba lần trong 9 tháng đầu năm.
Tham vọng bành trướng
Theo các nhà phân tích, các ngân hàng Hàn Quốc đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Campuchia và Indonesia khi lợi nhuận trong nước bị đình trệ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục và mở rộng vào năm tới khi một số ngân hàng địa phương có kế hoạch đi xa tới Nam Mỹ, theo các nhà phân tích.
Woori Bank cho biết họ có kế hoạch mở rộng mạng lưới tại Trung Quốc sau khi hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty đa ngành (holding) vào năm tới. Khi ông Sohn Tae-seung đảm nhận vị trí CEO vào năm ngoái, ngân hàng đã tiết lộ mục tiêu đầy tham vọng với 500 văn phòng ở nước ngoài.
Shinhan Bank đặt mục tiêu kiếm được hơn 500 tỉ won ở nước ngoài vào năm 2020. Họ đã thành lập Ngân hàng Shinhan Mexico (ngân hàng 100% vốn nước ngoài) vào tháng 3, trở thành ngân hàng đầu tiên của Hàn Quốc vào Nam Mỹ.
Cùng với đó, Hana Bank cũng đang chuẩn bị mở một công ty con ở Mexico trong nỗ lực đa dạng hóa danh mục đầu tư khu vực toàn cầu. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng đóng góp lợi nhuận từ các công ty ở nước ngoài lên 40% vào năm 2025.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh và theo đuổi chiến lược của mình để đi ra toàn cầu", một lãnh đạo của Hana Bank cho biết. "Chuyển đổi số kỹ thuật số sẽ là một phần quan trọng trong việc mở rộng toàn cầu của chúng tôi."