Ngân hàng đua xuất ngoại
Ngân hàng tăng phòng thủ thanh khoản | |
Lãi suất Ngân hàng Việt Á mới nhất tháng 10/2018 |
Theo chân doanh nghiệp hay giành thị phần?
Cuối tuần qua, Vietcombank đã khai trương Vietcombank Lào - ngân hàng con đầu tiên tại nước ngoài. Như vậy, riêng tại Lào, đã có sự hiện diện của 6 ngân hàng Việt Nam (MB, Vietcombank, SHB, BIDV, VietinBank, Sacombank).
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, kiêm Chủ tịch Vietcombank Lào nhận định, thị trường tài chính Lào đang ở giai đoạn đầu của bước phát triển mới, nên đây là cơ hội để Vietcombank cung cấp các gói dịch vụ tài chính hoàn hảo cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường này cũng như các doanh nghiệp tại Lào.
Cho đến nay, đa phần ngân hàng Việt đầu tư ra nước ngoài đều là “theo chân” khách hàng của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cũng muốn tận dụng mạng lưới khách hàng hiện có để giành thị phần ở các thị trường mới nhiều tiềm năng này.
Trong số các thị trường ngoại được ngân hàng Việt nhắm đến, Lào và Campuchia là 2 thị trường được đầu tư mạnh nhất.
BIDV là ngân hàng tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Hiện BIDV có ngân hàng con và văn phòng đại diện tại 6 nước và vùng lãnh thổ, gồm: Campuchia, Myanmar, Lào, Séc, Đài Loan và Nga.
VietinBank hiện có 2 chi nhánh tại Đức, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 ngân hàng 100% vốn tại Lào.
Ngoài ngân hàng con tại Lào, Vietcombank còn có văn phòng đại diện tại Paris (Pháp), Mátxcơva (Nga), Singapore và Công ty tài chính VINAFICO tại Hongkong (Trung Quốc). Dự kiến trong năm nay, Vietcombank sẽ mở chi nhánh tại Australia và văn phòng đại diện tại Mỹ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng Việt dẫn đầu về dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đạt 105,8 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư. Trong đó, hai thị trường được đầu tư nhiều nhất là Lào và Campuchia.
Đây cũng là điều dễ hiểu vì đây là hai thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư nhiều nhất với hàng loạt dự án tỷ USD trong các lĩnh vực như khách sạn, thủy điện, phân phối xăng dầu, viễn thông, nông nghiệp, khai khoáng, bất động sản…
Chậm chân sẽ mất thị phần
Trong khi hàng loạt ngân hàng nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam, thì ngân hàng Việt đang khá chậm chân trong việc “mang chuông đi đánh xứ người”.
Sắp tới, hàng loạt FTA mới được ký kết, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt sẽ mạnh hơn. Trong bối cảnh đó, nếu không nhanh chân, ngân hàng Việt có nguy cơ mất thị phần.
Có thể nói, đa phần ngân hàng Việt đầu tư ra nước ngoài mới chỉ nhằm phục vụ nhóm doanh nghiệp đầu tư sang các thị trường này, chứ chưa thâm nhập được các nhóm doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp nước bạn trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc “lót sân” này sẽ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tốt hơn.
Ông Phạm Mạnh Thắng cho hay, trước mắt, Vietcombank Lào sẽ tận dụng mạng lưới khoảng 40 doanh nghiệp khách hàng của Vietcombank với 46 dự án đầu tư sang Lào (tổng quy mô vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD). Tiếp đó, Ngân hàng sẽ nhắm vào khoảng 200 doanh nghiệp Việt đang đầu tư tại Lào. Xa hơn, Vietcombank sẽ dần mở rộng một phần ra các doanh nghiệp và cá nhân tại Lào.
Theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 có ít nhất 2 - 3 ngân hàng Việt nằm trong Top 100 ngân hàng châu Á về tổng tài sản và có 3 - 5 ngân hàng niêm yết ở sàn nước ngoài.
Hiện tại, so với các ngân hàng trong khu vực ASEAN (chưa nói đến châu Á), quy mô của ngân hàng Việt vẫn còn rất nhỏ bé, kinh nghiệm hoạt động ở các thị trường nước ngoài cũng chưa nhiều. Do vậy, việc “xuất ngoại” cũng được xem là một bước đệm quan trọng để ngân hàng Việt tăng khả năng chinh chiến ở nước ngoài.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng Việt tăng cường đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ 3 lý do.
Thứ nhất, hàng loạt FTA sắp được ký kết mở ra điều kiện hội nhập rất lớn cho doanh nghiệp, mà doanh nghiệp làm ăn ở đâu thì hệ thống ngân hàng phải đi theo, thậm chí đi trước một bước.
Thứ hai, các cam kết hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hoàn tất 80 - 90%, tạo thuận lợi cho các ngân hàng Việt đầu tư ra các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ ba, các ngân hàng Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và giờ là thời điểm sẵn sàng để hội nhập.