|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng đua nhau tăng vốn điều lệ, hàng tỷ cổ phiếu sẽ được 'bơm' ra thị trường

11:16 | 05/09/2022
Chia sẻ
Với việc phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, ESOP,... các ngân hàng đang cố gắng nâng cao vốn điều lệ của mình thêm hàng chục nghìn tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính và có thêm vốn cho hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng tư nhân sẽ vượt Big4 để dẫn đầu về vốn điều lệ

Nhiều ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ trong thời gian gần đây, trong đó VPBank là ngân hàng có mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm lớn nhất tính tới thời điểm này.

Theo kế hoạch dự kiến, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng  từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.  

Nếu phát hành thành công, VPBank sẽ tạm thời vượt qua nhóm Big 4, trở thành ngân hàng có mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Ngoài ra, trong năm 2022, ngân hàng cũng dự kiến phát hành riêng lẻ  tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Như vậy, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng lên 79.334 tỷ đồng nếu hoàn tất hai đợt phát hành kể trên. 

Cũng trong tháng 8, NHNN đã có quyết định chấp thuận cho HDBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của ngân hàng lên 25.503 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 25% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu phát hành thêm, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được HDBank dành khoảng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác. 

Trước đó, Nam A Bank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 8.464 tỷ đồng, trong đó 1.229 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 670 triệu đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở.

Các ngân hàng khác được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ trong thời gian vừa qua có thể đến như Kienlongbank, Techcombank, Ngân hàng Bản Việt, OCB,... trong đó phương án tăng vốn chủ yếu là phát hành cổ phiếu chia cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). 

Một ngân hàng tư khác là MB mới đây đã thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021 vào ngày 23/8/2022. Ngân hàng dự kiến phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 37.783 tỷ đồng lên 45.339 tỷ đồng, vượt lên xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ các ngân hàng, chỉ sau ba ông lớn Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng đã được NHNN phê duyệt trong thời gian gần đây. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).   

Trong khi các ngân hàng trên còn đang ở những bước đầu của giai đoạn tăng vốn, SeAbank và SHB là hai nhà băng đã hoàn tất việc này trong những tháng đầu năm.

Hồi giữa tháng 8, NHNN đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SHB lên 26.674 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả phát hành đã được Ủy ban chứng khoán xác nhận trước đó; tương ứng với số cổ phiếu đã được Sở giao dịch chứng khoán TP HCM chấp thuận niêm yết bổ sung và đã đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Tương tự, SeABank cũng được NHNN chấp thuận thay đổi vốn điều lệ  từ 16.598 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng. Việc tăng vốn được thực hiện sau hai đợt phát hành cổ phiếu của ngân hàng bao gồm phát hành 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức và phát hành thêm 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Một số ngân hàng khác cũng cho biết sẽ phải đẩy mạnh lộ trình tăng vốn trong thời gian tới như BIDV, VPBank, LienVietPostBank và OCB. 

Kế hoạch phát hành bị 'đẩy lùi' do thị trường chứng khoán kém sắc

Trong năm ngoái khi thị trường chứng khoán sôi động, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã nâng vốn điều lệ thành công.

Tuy nhiên,diễn biến không mấy thuận lợi của  thị trường chứng khoán trong những tháng đầu năm dường như đã đẩy lùi kế hoạch phát hành của nhiều nhà băng trong hệ thống. 

Mặc dù vậy, áp lực tăng vốn vẫn là hiện hữu. Hầu hết ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay, do đó việc tăng vốn điều lệ là điều kiện cần thiết để các nhà băng có thể có đủ vốn, đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Theo CTCP Chứng khoán VNDirect, bộ đệm vốn của các ngân hàng tại Việt Nam đã và đang được cải thiện trong những năm gần đây dự trên khả năng sinh lời mạnh mẽ và việc tăng vốn. Tuy vậy, vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn mỏng nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh cũng sẽ khiến tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng trong 2-3 năm tới giảm nếu không có lộ trình tăng vốn phù hợp.

Vì vậy, chuyên gia của VNDirect cho rằng các ngân hàng sẽ duy trì chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì cổ tức tiền mặt và kế hoạch tăng vốn sẽ được đẩy mạnh vào 2023 để các ngân hàng Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn trung bình trên 10%. 

Thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2022 của 30 ngân hàng trong nước cho thấy tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn điều lệ các ngân hàng đạt 575.761 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm. 

Trong đó, 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, MB, Techcombank, Agribank,  ACB, SHB và VIB. Tổng vốn điều lệ của 10 ngân hàng này đạt hơn 373.039 tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng được thống kê.

Phương Nga