|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng cấp tập tăng vốn thông qua chia cổ tức

07:26 | 27/11/2023
Chia sẻ
Động thái này nhằm mục đích tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến phát hành hơn 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng. (Ảnh: BIDV). 

Nhiều ngân hàng lớn đang cấp tập thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong những tháng cuối năm. Động thái này nhằm mục đích tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến phát hành hơn 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng.

BIDV vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11, tỷ lệ 12,69%. Như vậy, cổ đông nắm giữ mỗi 100 cổ phiếu BID sẽ nhận được 12,69 cổ phiếu, làm tròn xuống 12 cổ phiếu.

Cùng với BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng.

VietinBank cũng chốt ngày giao dịch không hưởng quyền vào 30/11. Tỷ lệ chia cổ tức là 11,7415%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1%.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hồi giữa năm nay cũng được Quốc hội thông qua chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tối đa 17.100 tỷ đồng, tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023 của ngân hàng.

Trong đó, năm 2023 sẽ bổ sung 6.753 tỷ đồng và năm 2024 sẽ bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Không riêng các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước, nhiều ngân hàng khác cũng đã chốt quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với tỷ lệ chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tỷ lệ 18% bằng cổ phiếu...

Đáng chú ý, cũng trong tháng 11 này, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã lần đầu tiên trong 10 năm qua chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với hơn 7,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VPBank chi ra hơn 7.900 tỷ đồng để trả cổ tức. Đây là một trong số ít các ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy có hơn 163.000 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của 28 ngân hàng trong năm 2023, cao hơn mức 154.000 tỷ đồng của năm 2022. Ước tính có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành trong năm nay để trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Theo Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây của Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn vốn. Fitch Ratings nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 10%.

Lê Phương