|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng nhộn nhịp tăng vốn dịp đầu năm

14:06 | 11/01/2024
Chia sẻ
Bước sang năm 2024, làn sóng tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục nhộn nhịp.

Khách hàng giao dịch tại NCB. (Ảnh: NCB).

Theo đó, sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng được bổ sung vào vốn điều lệ của nhiều ngân hàng thông qua các phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức ...

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng. Theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, NCB sẽ được phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

NCB sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, dự kiến trong quý II/2024. Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.

Phương án tăng vốn điều lệ này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của NCB thông qua vào tháng 4/2023 và được Hội đồng quản trị NCB triển khai theo quy định. Mục đích của việc chào bán thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ là nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng.

Sau phát hành, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên thành 11.802 tỷ đồng, "bước chân" ra khỏi nhóm các ngân hàng niêm yết có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng.

Không riêng NCB, Ngân hàng Nhà nước vừa ra công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) với số vốn tăng thêm tối đa 1.200 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, PGBank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm. Dự kiến thời gian hoàn thành các thủ tục liên quan chậm nhất vào quý III/2024.

Hiện tại, với số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, PGBank là ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống. Nếu thực hiện thành công các phương án tăng vốn trên, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên thành 5.000 tỷ đồng.

Cùng nằm trong nhóm những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) mới đây cho biết đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Saigonbank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức 10% cho cổ đông hiện hữu được đại hội đồng cổ đông thông qua. Vốn điều lệ của ngân hàng này sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức sẽ tăng từ 3.080 tỷ đồng lên mức 3.388 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), ngày 12/1 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Theo đó, Bac A Bank dự kiến phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 7,5%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 75 cổ phiếu mới. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 625 tỷ đồng. Số cổ phiếu phổ thông phát hành để trả cổ tức cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2023 của ngân hàng này sau khi đã trích lập các quỹ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được đại hội đồng cổ đông thông qua. Sau khi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ tại Bac A Bank dự kiến sẽ tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.

Trong tuần cuối của năm 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ. Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21%.

Đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới. Giá cổ phiếu bán ra trong đợt này sẽ bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 90 ngày kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép chào bán, Vietbank phải thực hiện phân phối số cổ phiếu đã đăng ký. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt.

Trước đó vào ngày 25/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Vietbank tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số vốn 1.003 tỷ đồng thu về dự kiến được sử dụng cho việc kinh doanh, đầu tư trái phiếu, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh và sinh lời cho Vietbank.

Ngoài những cái tên trên, vẫn còn một số ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với 5.399 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) với 5.016 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với 3.653 tỷ đồng ...

Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, giúp gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động.

Lê Phương

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.