Ngân hàng đã lỗ khi 'chơi' với doanh nghiệp lớn
Cho vay tăng 18%
Tại buổi họp cuối năm giữa UBND TP.HCM với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối năm 2016 tăng 16% so với năm 2015, đạt trên 1,83 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm tỷ trọng lớn 53% tổng vốn huy động và tăng trên 18% so cuối năm 2015.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 18%, ước đạt gần 1,46 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 57%, tăng khoảng 17% so cuối năm 2015, dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm gần 43%, tăng khoảng 19% so cuối năm 2015.
Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã dành gần 80% vốn huy động được để cho vay ra. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 75% và hỗ trợ doanh nghiệp.
Các ngân hàng tiếp tục Chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 143.675 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 63%.
Lãi suất và tỷ giá diễn biến tích cực, ổn định và trong định hướng điều hành của ngân hàng Trung ương. Hiện nay, lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,75% - 9,04%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 8,7% - 9,9%/năm đối với trung, dài hạn. Tỷ giá ổn định và phổ biến ở mức 22.340 USD/VND, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đáp ứng đủ các nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ để kinh doanh xuất nhập khẩu.
Lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Tính đến cuối tháng 12/2016 ước đạt khoảng 5 tỷ USD, chiếm 90% lượng kiều hối thành phố năm 2015, chiếm 56% lượng kiều hối cả nước (năm 2015 lượng kiều hối đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 45% cả nước).
Ông Nguyễn Thành Phong làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cuối năm 2016 - Ảnh: Hà An.
Vẫn cạnh tranh giành khách hàng lớn
Về phía các ngân hàng, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho biết trong năm 2017 ACB sẽ dành khoảng chục ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hoạt động kinh doanh của ACB trong năm 2016 đã khởi sắc trở lại khi tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 21%. Năm 2016, ACB đã xử lý được hơn 1.700 tỷ đồng nợ xấu.
Theo ông Toàn, vấn đề đặt ra đối với ngành ngân hàng hiện nay là tài sản đảm bảo là bất động sản của khoản vay nằm trong quy hoạch thì không xử lý được, khâu kết hợp với bên thi hành án để ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo vẫn rất khó khăn. Yêu cầu thành phố công bố rõ hơn về quy hoạch để ngân hàng biết hướng xử lý những tài sản này. Ngân hàng cũng cần thi hành án hỗ trợ để có thể xử lý nợ xấu tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), năm nay tỷ suất sinh lời của OCB khá tốt khi chỉ số ROE đạt 12%. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn của OCB đạt 43%, tăng trưởng cho vay đạt 35% so với năm 2015. Ngân hàng cũng tác khách hàng thành những nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ để có những sản phẩm hỗ trợ phù hợp. Tuy OCB không phải là ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II từ năm 2016 nhưng ngân hàng vẫn đặt các tiêu chí an toàn hoạt động theo chuẩn quốc tế để nâng cao năng lực quản trị.
Bên cạnh sự tăng trưởng tốt trở lại của nhiều ngân hàng thì vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để tranh giành khách hàng tốt.
Theo bà Trương Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), một số ngân hàng tranh giành nhau khách hàng lớn, hạ tiêu chuẩn, nâng ưu đãi để có được khách hàng này. Các tập đoàn kinh tế thì hầu như ngân hàng “chơi” với họ đều lỗ, ngay như Vietcombank cũng lỗ đối với doanh nghiệp lớn này.
“Tại sao chúng ta cứ làm giàu cho doanh nghiệp? Tại sao chúng ta không liên kết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Ngay như trong việc cho vay hợp vốn giữa các ngân hàng cho một dự án của doanh nghiệp, trước kia các ngân hàng còn chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nay thì không”, bà Nga nói.
Đánh giá vai trò của ngân hàng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận sự đóng góp của ngành ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là chương trình tín dụng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong những năm qua. Năm 2016, tổng số tiền chương trình đã thực hiện là 214.092 tỷ đồng, cho 19.437 khách hàng. Trong đó, Chương trình kết nối tại các quận, huyện đạt 51.487 tỷ đồng, cho 14.060 khách hàng. Chương trình giải ngân gói tín dụng của 16 tổ chức tín dụng đạt 162.605 tỷ đồng, cho 5.377 khách hàng.
Hệ thống ngân hàng TP.HCM đã đáp ứng vốn rất tốt cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Sự ổn định của thị trường tiền tệ TP.HCM góp phần rất lớn vào sự ổn định của thị trường tiền tệ cả nước.
TP.HCM muốn vươn lên là trung tâm kinh tế, tài chính không chỉ của cả nước mà của cả khu vực, do đó cần có những tầm nhìn lớn, khát khao lớn và hành động thực sự đột phá trong cuộc chơi lớn để những mong muốn trở thành hiện thực.
Trước mắt, năm 2017, thành phố đặt mục tiêu có 50.000 doanh nghiệp mới được thành lập để đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được con số 500.000 doanh nghiệp nếu chúng ta có cơ chế, chính sách tốt”, ông Phong nói.