Nga xem xét hạn chế tạm thời doanh nghiệp nước ngoài rút tài sản
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 1/3 cho biết đã soạn thảo dự thảo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về việc hạn chế tạm thời doanh nghiệp nước ngoài rút tài sản khỏi Nga. Ông Mishustin thông báo điều này tại cuộc họp chống lại các lệnh trừng phạt.
Ông Mishustin nói: “Trong tình hình trừng phạt hiện nay, các doanh nhân nước ngoài buộc phải được quản lý không phải bởi các yếu tố kinh tế, mà bằng cách đưa ra các quyết định dưới áp lực chính trị. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt, một dự thảo sắc lệnh của tổng thống đã được soạn thảo để đưa ra các hạn chế tạm thời đối với việc rút tài sản khỏi Nga”.
Theo Thủ tướng Mishustin, nhà chức trách Nga sẵn sàng đối thoại với các nhà đầu tư mang tính xây dựng. Trước đó, Tổng thống Putin đã cấm người Nga từ ngày 1/3 chuyển ngoại tệ vào tài khoản ở nước ngoài.
Tập đoàn năng lượng BP (Vương quốc Anh) và Shell (Mỹ), ngân hàng toàn cầu HSBC và công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap ngày 28/2 tham gia vào danh sách ngày càng tăng của các công ty tìm cách rút khỏi thị trường Nga, giữa bối cảnh phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine (U-crai-na).
Shell cho biết sẽ rút toàn bộ hoạt động ở Nga, bao gồm cả dự án xây dựng nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin 2 mà họ nắm giữ 27,5% cổ phần trong khi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sở hữu 50% cổ phần.
BP, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, cuối tuần qua thông báo từ bỏ 20% cổ phần nắm giữ trong tập đoàn dầu khí Rosneft. Với quyết định trên, tập đoàn này sẽ bị thiệt hại 25 tỷ USD và lượng dầu khí dự trữ cũng giảm đi một nửa.
Ngoài ra, công ty năng lượng Equinor do Chính phủ Na Uy sở hữu đa số, cho hay công ty bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga. Động thái trên khiến các công ty phương Tây khác chú ý đến các dự án dầu khí của Nga, như ExxonMobil và TotalEnergies.