|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nga sẽ bán 340 tấn vàng khai thác mỗi năm bằng cách nào sau lệnh cấm vận của phương Tây?

16:26 | 05/04/2022
Chia sẻ
Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các doanh nghiệp khai thác vàng của Nga không thể xuất khẩu sang các thị trường truyền thống. Một số đang thăm dò và mở rộng thị trường tiêu thụ sang châu Á và Trung Đông.

Là nhà khai thác vàng lớn thứ hai thế giới nhưng Nga đang phải tìm cách tiêu thụ lượng vàng khổng lồ của mình, chẳng hạn như xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc và Trung Đông, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của nước này, theo Bloomberg.

Cụ thể, ngay từ khi căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra, thị trường châu Âu và Mỹ dường như đã đóng cửa với mặt hàng vàng của Nga do lệnh cấm nhập khẩu. Ngoài ra, một số nhà máy luyện kim cũng đang từ chối nung chảy vàng của Nga. 

 

Thông thường, các doanh nghiệp của Nga sẽ bán vàng cho một số ngân hàng địa phương - hầu hết là do nhà nước điều hành, chẳng hạn như ngân hàng VTB PJSC và Ngân hàng Otkritie và sau đó được xuất khẩu. Hoặc những năm gần đây, các doanh nghiệp khai thác có thể bán thẳng cho ngân hàng trung ương Nga.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến cho việc bán vàng của các ngân hàng địa phương gặp khó. Dù ngân hàng trung ương Nga cho biết sẽ bắt đầu thu mua vàng trở lại sau hai năm tạm dừng, nhưng ​​họ sẽ không mua vào nhiều như trước đây.

Điều này đặt ra câu hỏi lớn là ngành vàng của Nga sẽ làm cách nào để bán 340 tấn vàng khai thác mỗi năm, tương đương giá trị khoảng 20 tỷ USD. Bởi, thực tế là rất ít ngân hàng không bị phương Tây trừng phạt có thể xử lý khối lượng khổng lồ như vậy.

Và dù chính phủ Nga đã cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác mỏ được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài nhưng cho đến nay rất ít đơn vị sử dụng quy trình này vì họ muốn thông qua ngân hàng để bán vàng.

Tuy nhiên, điều này có thể sớm thay đổi vì các công ty khai thác của Nga đang xem xét xuất khẩu trực tiếp. Cả nhà sản xuất và ngân hàng đều đang thăm dò, mở rộng thị trường tiêu thụ ở châu Á và Trung Đông.

Nhiều doanh nghiệp khai thác vàng của Nga đang thăm dò và mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Á và Trung Đông. (Ảnh minh họa: Intellinews).

Điển hình như Polymetal International Plc, một nhà sản xuất đang tìm cách xuất khẩu trực tiếp cho các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc. Một số công ty khai thác lớn khác cũng đã bắt đầu đàm phán với các đối tác có trụ sở tại Trung Quốc và UAE.

Ngân hàng Trung ương Nga từng là tổ chức nhà nước mua nhiều vàng nhất, khi mà họ thu gom gần như toàn bộ sản lượng vàng trong nước trước khi tạm dừng mua vào vào đầu năm 2020. Việc ngân hàng trung ương cam kết bắt đầu mua lại sẽ giúp hấp thụ một phần nguồn cung không thể xuất khẩu.

Ngân hàng trung ương Nga đang giới hạn mức giá mua vào ở 5.000 ruble/gram, tương đương 1.880 USD/ounce theo tỷ giá hối đoái hiện tại và thấp hơn giá vàng quốc tế.

Chia sẻ với Bloomberg, hai quan chức của ngân hàng trung ương Nga cho biết kế hoạch thu gom vàng lần này là nhằm hỗ trợ doanh số cho các công ty khai thác vàng đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Cho dù sức tiêu thụ trong nước có tăng nhưng cũng không thể hấp thụ lượng vàng quy mô đến vậy.

Để kích thích tiêu thụ vàng cho kênh bán lẻ trong nước, chính phủ Nga đã bãi bỏ thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này sau khi căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra.

Người phát ngôn của Polymetal cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu vàng bán lẻ đang gia tăng đáng kể. Các ngân hàng sẵn sàng trả tiền theo giá chuẩn quốc tế, chứ không phải ở mức 5.000 ruble/gram”.

Giá vàng không có xu hướng phản ứng với các yếu tố cung - cầu như các mặt hàng khác như kim loại cơ bản, năng lượng hay nông sản. Tuy nhiên, dự báo triển vọng xuất khẩu vàng của Nga giảm cũng kéo theo nguồn cung toàn cầu giảm.  

Bà Suki Cooper, một nhà phân tích tại Standard Chartered, cho biết: “Thị trường vàng đang thặng dư. Nếu nhu cầu của Nga tăng lên trong khi sản lượng khai thác của nước này không đến được với thị trường quốc tế và nguồn cung dư thừa bị các quỹ ETF thâu tóm, thì thị trường vàng có thể gần về mức cân bằng hơn, lần đầu tiên kể từ năm 2015”.

Hoàng Anh

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.