|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nga bất ngờ đề xuất đối xử với tiền mã hoá như tiền ngoại tệ

07:12 | 10/02/2022
Chia sẻ
Nga hiện đang có khoảng 12 triệu tài khoản tiền mã hoá, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Thay vì cấm tiền mã hoá, chính phủ Nga quyết định sẽ quản lý loại tài sản này, theo CoinDesk.

Một tài liệu nêu ra các nguyên tắc quản lý tiền mã hoá đã được chia sẻ trên website chính thức của chính phủ hôm 8/2. Đáng nói, kế hoạch này có sự ủng hộ của ngân hàng trung ương Nga, đơn vị trước đây từng kêu gọi cấm hoạt động giao dịch và "đào" tiền mã hoá.

Nga bất ngờ đề xuất đối xử với tiền mã hoá như tiền ngoại tệ - Ảnh 1.

Nga dường như muốn quản lý chặt chẽ tiền mã hoá thay vì cấm chúng. (Ảnh: cryptopolitan).

Theo tài liệu được chia sẻ, Nga hiện đã có khoảng 12 triệu tài khoản tiền mã hoá với giá trị khoảng 2 nghìn tỷ rúp (ruble) (tương đương 26,7 tỷ USD). Tài liệu đồng thời cho biết Nga đang đứng thứ 3 thế giới về năng lực "đào" tiền mã hoá. Với khối lượng giao dịch tiền mã hoá lớn, các cơ quan chức năng tại quốc gia này tỏ ra quan ngại về việc chưa có đủ các biện pháp xử lý các loại hình tội phạm liên quan tiền mã hoá, tài liệu nêu rõ.

Hồi tháng 1, ngân hàng trương ương Nga phát hành báo cáo trong đó nhận định tiền mã hoá là một mối đe doạ với sự ổn định tài chính và đầy rẫy sự lừa đảo. Do đó, ngân hàng trương ương Nga kêu gọi cấm giao dịch và "đào" tiền mã hoá tại quốc gia này. 

Thay vào đó, người Nga sẽ được tiếp cận với đồng rúp kỹ thuật số và các tài sản số được phát hành bên trong quốc gia bởi các công ty đã được cấp phép. Hiện tại, ngân hàng trung ương Nga đang phát triển một đồng tiền pháp định kỹ thuật số, theo CoinDesk.

Ngược lại, tài liệu của chính phủ Nga nói rằng hoạt động mua bán tiền mã hoá tại Nga có thể được thực hiện nhưng chỉ thông qua các công ty đã được cấp phép và quản lý đầy đủ. 

Bằng cách này, người dùng phải được định danh rõ ràng và các cơ quan chính phủ có thể tiếp cận dữ liệu về giao dịch. Dù vậy, tài liệu không đề cập đến hoạt động "đào" tiền mã hoá. Nhiều quy định mới trong tài liệu yêu cầu quốc hội thông qua luật mới.

Tất cả các giao dịch mã hoá có giá trị lớn hơn 600.000 rúp (khoảng hơn 8.000 USD) đều cần được báo cáo tới Cơ quan Thuế Liên bang. Tài liệu nói rằng không báo cáo cơ quan thuế sẽ được xem là một hoạt động phạm pháp với việc sử dụng tiền mã hoá để thực hiện các hoạt động phạm tội là một yếu tố tăng nặng.

Tài liệu nói rằng các ngân hàng có thể hoạt động như một đơn vị trung gian giữa các nhà đầu tư và sàn giao dịch tiền mã hoá. Các ngân hàng cần thực hiện định danh người dùng, kiểm tra các dấu hiệu bất hợp pháp của giao dịch, cung cấp phương tiện để chuyển đổi sang tiền pháp định và lưu trữ các thông tin về giao dịch trong tối thiểu 5 năm. 

Ngoài ra, ngân hàng cần cung cấp các tài liệu cần thiết cho nhà đầu tư để báo cáo thuế. Khi nhận yêu cầu từ cơ quan chức năng, ngân hàng cũng cần thực hiện cung cấp dữ liệu giao dịch.

Các sàn giao dịch tiền mã hoá và ngang hàng được yêu cầu đăng ký dưới dạng pháp nhân và mở tài khoản mã hoá với một ngân hàng được phép. Đồng thời, chúng cũng cần thoả mãn các yêu cầu áp dụng với các tổ chức tài chính truyền thống. Các sàn giao dịch nước ngoài cần mở văn phòng ở Nga và đăng ký hoạt động tại đây.

Các ngân hàng làm việc với các sàn giao dịch tiền mã hoá được yêu cầu sử dụng công cụ theo dõi giao dịch Transparent Blockchain (tạm dịch: Blockchain minh bạch) do cơ quan chống rửa tiền Rosfinmonitoring phát triển.

Theo tài liệu, Transparent Blockchain có thể giúp xác định chủ nhân của các ví tiền mã hoá sử dụng dữ liệu mã nguồn mở cùng các thông tin từ darknet. Công cụ này cũng có thể xác định các đặc điểm của việc sử dụng tiền mã hoá bất hợp pháp đồng thời lưu trữ các địa chỉ ví có liên quan đến hoạt động phạm tội hay tài trợ khủng bố.

Tài liệu đề xuất lần này đã được ngân hàng trung ương Nga, Bộ tài chính, Bộ phát triển kinh tế, Cơ quan Thuế Liên bang cùng với đó là nhiều cơ quan thực thi pháp luật lớn như  Bộ Nội vụ, Cơ quan an ninh liên bang và Viện công tố Nga chấp thuận. Trước đó, ngân hàng trung ương Nga từng lên tiếng phản đối.

Theo tờ Kommersant, cách tiếp cận nói trên đặt tiền mã hoá ngang hàng với tiền ngoại tệ bởi tiền ngoại tệ cũng chịu sự quản lý tương tự ở Nga. Kommersant cho biết các luật và chỉ thị mới có thể sẽ đi vào hiệu lực vào nửa cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Nam Khánh