|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng năm 2022

10:13 | 26/12/2022
Chia sẻ
Doanh thu năm 2022 của Newtecons - doanh nghiệp do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập, đạt mốc kế hoạch 10.000 tỷ đồng.

 Dự án Khu căn hộ cao cấp Asiana Đà Nẵng do Newtecons làm tổng thầu xây dựng. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tại sự kiện tổng kết tình hình kinh doanh năm 2022, ông Trần Kim Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons cho biết công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và cán mốc kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Năm ngoái, trong bối cảnh ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn chung từ thị trường như khan hiếm nguồn cung về nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công, Newtecons cho biết công ty là một trong số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng cao trong ngành năm 2021 khi đạt 5.363 tỷ đồng. Như vậy, kết quả doanh thu năm 2022 của Newtecons tăng 86% so với năm ngoái.

Trong năm 2022, Newtecons cũng công bố nhiều gói thầu. Tháng 9/2022, công ty khởi công dự án Tổ hợp Grand Bay HaLong do BIMLand làm chủ đầu tư. Tháng 10/2022, Newtecons đã cất nóc dự án M Garden City Đà Nẵng, dự án SORA Gardens SC của chủ Đầu tư Becamex Tokyu,...

Doanh thu và doanh số trúng thầu của Newtecons liên tục tăng trong những năm gần đây một phần nhờ dàn nhân sự nhiều năm làm việc dưới thời ông Nguyễn Bá Dương từ Coteccons chuyển về. 

  Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của Newtecons. 

Một nhà thầu xây dựng khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons mới đây cũng công bố công ty đã vượt mức doanh thu 10.000 tỷ đồng theo kế hoạch năm đề ra, tính đến ngày 17/12.

Trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu chiếm đến 65 - 70% giá dự toán xây dựng công trình, trong đó thép và xi măng là hai vật liệu quan trọng nhất. Hiện diễn biến giá thép đã hạ nhiệt so với năm ngoái giúp các doanh nghiệp xây dựng giảm bớt áp lực về chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

Đánh giá triển vọng của doanh nghiệp xây dựng, Chứng khoán BSC nhận định tăng trưởng trong thời gian tới tiếp tục gặp thách thức khi các dự án bất động sản thương mại bị tạm ngừng thi công, hoãn triển khai dự án rất nhiều.

Siết chặt dòng vốn chảy vào bất động sản gây nên rủi ro cao về trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi trong năm 2022 - 2023. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là rủi ro lớn nhất đối với ngành xây dựng trong quý IV/2022 và cả giai đoạn 2023 - 2024 khi áp lực về dòng tiền đối với các chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán công nợ và nguồn cung dự án mới ra thị trường.

Bên cạnh đó, giá trị backlog sẽ không phản ánh được kết quả kinh doanh sắp tới khi hầu hết các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn và kế hoạch triển khai dự án.

Minh Hằng