Nếu tăng trưởng 2017 giảm 0,7%, mỗi người dân \"mất\" hơn 300.000 đồng
|
Phát biểu tọa đàm Làm ăn gì năm 2017 tổ chức sáng nay (10/12) tại Thanh Hóa, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bức tranh kinh tế, đặc biệt là con số tăng trưởng rất cần phải quan tâm.
Ông Hiếu cho biết: "Tăng trưởng năm 2017 theo tôi dự báo sẽ vào khoảng 6%. Tăng trưởng 6% hay 6,7% với dân chúng có thể không quan tâm nhưng về tầm vĩ mô rất cần phải quan tâm.
Ông phân tích, GDP đầu người của Việt Nam khoảng 2.300 USD/người/năm, chia ra mỗi người 3 - 4 triệu đồng/tháng. "Nếu GDP giảm 0,7%, mỗi người dân bị mất đi hơn 300 nghìn đồng. Một gia đình trung bình 5 người sẽ mất đi 1,5 triệu đồng. Như vậy, mỗi người dân đều bị thiệt hại lớn", ông Hiếu nhận định.
Không lạc quan kinh tế 2017 có thể tăng trưởng cao hơn 2016, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể sẽ đi vào giai đoạn trì trệ nếu 4 nguyên nhân ảnh hưởng không được giải quyết.
Hai nguyên nhân khách quan được kể tên là khí hậu và biến động kinh tế chính trị thế giới. Ông Hiếu cho rằng các nguyên nhân trên không tránh được nhưng nguyên nhân đầu tư công tăng nhanh và doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Lạc quan hơn, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu ngành khai khoáng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như năm nay, tăng trưởng năm 2017 có thể ở mức 6,6%.
Vị này chứng minh, cơ cấu tăng trưởng năm 2016 cho thấy khu vực dịch vụ và sản xuất, vốn là 2 động cơ chính của nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp giảm, khai khoáng lại giảm mạnh.
Theo dự báo sang năm 2017, những biến động bất lợi về nông nghiệp và khai khoáng không nghiêm trọng như năm 2016. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nếu so sánh từ 2012 đến nay thì khu vực kinh tế chế tác luôn có sự tăng trưởng. Chưa kể, cán cân thương mại đã dần vào ổn định, năm 2012 có thâm hụt một chút nhưng những năm gần đây đã thặng dư.
Bức tranh kinh tế 2017 dưới con mắt Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên "xám" nhưng cũng có nhiều "điểm sáng" về cơ hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội tham gia các lĩnh vực trước nay đặc thù nhà nước quản lý bởi quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được thúc đẩy trong năm tới.
Ông Kiên cũng chỉ ra cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm trồng trọt mà hiện nay Việt Nam chưa tận dụng hết. Đặc biệt khi các FTA của Việt Nam cam kết bảo hộ nhiều nhất cho các doanh nghiệp chế biến nông nghiệp trong nước.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực máy móc không tác động vào được như du lịch, khách sạn lữ hành, chúng ta có rất nhiều tiềm năng có thể khai thác được ngay mà Việt Nam rất nhiều tiềm năng để khai thác.
TS Võ Trí Thành bổ sung thêm một số vướng mắc cho năm tới khi động lực cho ngành xây dựng cũng gặp khó. Dự báo bất động sản gần đây cho thấy 2017 sẽ chưa vào giai đoạn bong bóng. Dịch vụ liệu Việt Nam có thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài không, theo ông Thành vấn là một câu hỏi.
Ông cho rằng đầu tư trong năm tới có thể sẽ không được nhiều như năm nay. Tín dụng ODA khoảng 12 đến 13%.
Theo đó, xuất khẩu Việt Nam đã đặt mục tiêu thận trọng hơn. Và năm 2017 triển vọng với tiêu dùng vẫn là điểm sáng, trong thống kê, Việt Nam vẫn là một trong số những người lạc quan trong khu vực châu Á.
"Tất cả các dự báo gần đây đều cho rằng tăng trưởng của Việt Nam trần khoảng 6,5%; thấp là 6% để nói chúng ta vẫn có cơ hội nhưng thực sự khó khăn, cần khéo léo và quyết liệt trong cải cách", ông Thành khẳng định.