|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nên tuân thủ cuộc chơi

10:11 | 25/11/2016
Chia sẻ
Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó nhiều hiệp định đã có hiệu lực. Đáng kể nhất là Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, và ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),  hai FTA thế hệ mới, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tuy vậy, nhận thức về tự do hóa thương mại, đôi khi còn không ít lệch lạc.
Nhiều người vẫn đang vận động để bảo hộ ngành ô tô trong nước, làm khó ô tô nhập khẩu. Trong ảnh: Gian hàng trưng bày tại một triển lãm ô tô năm 2016 ở TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA

Hội nhập nhưng cản trở thực hiện cam kết

Lệch lạc đầu tiên là tuy đã hội nhập, đã cam kết mở cửa nhiều thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước cho các nước đối tác, nhưng nhiều người vẫn cứ cố níu kéo, cản trở sự cam kết mở cửa này bằng nhiều cách, chủ yếu là dùng những hàng rào bảo hộ phi thuế quan.

Một ví dụ điển hình là ngành sản xuất và kinh doanh ô tô. Các cam kết tự do hóa thương mại với ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh Kinh tế Á - Âu, và sắp tới là với EU có những điều khoản về mở cửa thị trường ô tô ở Việt Nam cho ô tô nhập khẩu từ những thị trường này. Tuy vậy, trong Luật sửa đổi bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (mới được Quốc hội thông qua sáng 22-11) thì vẫn có ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với mục đích đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, mặt khác của quy định này là làm khó thêm cho ô tô nhập khẩu và nhằm bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước - vốn vẫn đang loay hoay với chiến lược phát triển nhưng đã được hưởng lợi lớn nhờ thuế nhập khẩu cao và nhiều quy định làm khó ô tô nhập khẩu.

Tuy ngành ô tô là ngành công nghiệp quan trọng nhưng liệu có nhất thiết phải phát triển ngành này bằng mọi giá và liệu có phát triển được không lại là chuyện khác.

Thực tế cho thấy không phải nước nào cũng thành công với ngành công nghiệp ô tô, nếu như ngành này không là thế mạnh cạnh tranh của họ. Hiện tại Việt Nam cũng chẳng có thế mạnh gì có thể dẫn đến sự phát triển vững chắc của ngành công nghiệp ô tô trong nước, ngoài một lợi thế duy nhất là dân số đông, hứa hẹn một thị trường tiêu thụ có tốc độ tăng trưởng nhanh trong... tương lai.

Bù lại, khi hội nhập qua các hiệp định thương mại tự do, chúng ta được hưởng lợi từ sự mở cửa thị trường nội địa của các nước đối tác cho những ngành, nghề mà Việt Nam có lợi thế, chủ yếu từ khai thác lực lượng lao động dồi dào và giá tương đối rẻ, như may mặc, da giày, thủy sản, lắp ráp... Sự đánh đổi các lợi thế này giữa Việt Nam và các nước là theo đúng lý thuyết và thực tế về thương mại tự do. Nếu đã cam kết mà vẫn cứ ngấm ngầm và cả công khai tìm mọi cách để “lách luật”, lách các cam kết với nước đối tác thì hoặc chúng ta sẽ bị các nước đối tác trả đũa, hoặc các cam kết này sẽ bị xem xét lại, vì không có quốc gia nào lại cam chịu thiệt thòi.

Hội nhập mà vẫn nghĩ phải “tự cung tự cấp”

Một lệch lạc phổ biến khác về tự do hóa thương mại tương tự là quan niệm (dù đã hội nhập sâu, rộng) phải quyết xây cho bằng được một nền kinh tế có sự “phát triển hài hòa” giữa các ngành kinh tế, ví dụ từ ngành dệt may đến ngành tự động hóa. Rồi nữa, phải có chiến lược phát triển sao cho đảm bảo gần như “tự cung, tự cấp” trong nhiều ngành như ngành thép vì nếu không thì sẽ dẫn đến nhập siêu lớn, gây bất ổn vĩ mô...

Quan niệm “phát triển hài hòa” theo diễn giải trên là một thực tế, được thể hiện ở chiến lực phát triển “quả mít”, theo đó có quá nhiều ngành được xác định là ngành ưu tiên, ngành mũi nhọn. Kể cả với một nền kinh tế đóng cửa thì chiến lược này vẫn sẽ thất bại bởi nguồn lực kinh tế có hạn, không thể đáp ứng yêu cầu phát triển cùng một lúc của nhiều ngành khác nhau. Điều này cũng tương tự như một gia đình nghèo đông con, nếu không dồn sức cho đứa con nào có khả năng học nhất mà cứ chia đều ra thì đứa nào rồi cũng sẽ học hành làng nhàng như đứa nào. Trong thời đại hội nhập như hiện nay thì chiến lược này càng sớm thất bại vì giờ đây còn có thêm sức ép là sự cạnh tranh từ bên ngoài lên những ngành vốn đã ốm yếu trong nước, trong khi những ngành có khả năng phát triển theo thế mạnh cạnh tranh thì lại không được đầu tư đầy đủ.

Chuyển sang quan niệm ngành nào mà nhu cầu trong nước lớn, đang nhập siêu thì phải tìm mọi cách để phát triển, như ngành thép là một ví dụ điển hình. Nhiều người cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu như có cảng nước sâu, có quặng sắt và nhiều khoáng chất cần cho sản xuất thép, nhân công giá rẻ... Điều này ít nhiều là đúng nhưng chưa đủ. Về quặng sắt và các khoáng chất cần cho sản xuất thép, Việt Nam tuy có thể có trữ lượng lớn nhưng điều quan trọng là điều kiện khai thác của mỏ có thuận lợi không, và chi phí khai khoáng liệu có đủ thấp để đảm bảo rằng chi phí đưa quặng đến chân công trình luyện thép sẽ thấp hơn chi phí cho quặng nhập khẩu cùng chất lượng hay không. Điều này chỉ được đảm bảo khi tối thiểu phải có một cơ sở hạ tầng và công nghệ cho khai khoáng và vận chuyển phát triển, là điều mà Việt Nam đang thiếu.

Ngoài ra, để ngành thép nội địa có sức cạnh tranh thực sự thì tất yếu phải phát triển các nhà máy thép dùng công nghệ lò cao, hiện đại, điều này rất tốn kém. Như vậy, ngoài vấn đề là... tiền đâu, sự đi sau về đầu tư công nghệ lò cao làm các nhà máy thép ở Việt Nam khó cạnh tranh được với các nhà máy thép nước ngoài đã khấu hao máy móc thiết bị từ lâu, làm cho bài toán lợi thế trở nên mù mờ hơn. Tất nhiên Việt Nam vẫn có thể dốc sức đầu tư phát triển những thứ này, nhưng như thế thì lại vấp phải bài toán nhà nghèo đầu tư cho con học ở trên.

Nhìn vào ví dụ ngành thép của Ấn Độ

Nhân bàn về trữ lượng quặng sắt với chuyện tự chủ sản xuất trong nước, cũng xin đưa thêm một ví dụ về ngành thép Ấn Độ. Nước này ước tính có tới hơn 13 tỉ tấn quặng sắt các loại, và ngành luyện thép nước này hàng năm sản xuất ra trên dưới 90 triệu tấn thép. Thế nhưng hàng năm nước này vẫn phải nhập hàng chục triệu tấn quặng sắt từ Úc, Canada, hay Nam Phi vì cung trong nước không đủ đáp ứng, với nhiều lý do từ vấn đề bảo vệ môi trường đến cơ sở hạ tầng kém phát triển hay chất lượng quặng không tốt... Đồng thời, nước này cũng phải đương đầu với thép nhập khẩu giá rẻ hơn (và chất lượng tốt hơn) không chỉ từ Trung Quốc mà còn cả từ Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đã có các hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ, làm cho Ấn Độ chẳng còn mấy cớ để buộc tội họ bán phá giá.

Bởi vậy, với Việt Nam, thay vì chủ quan cho rằng ngành thép là ngành có lợi thế cạnh tranh theo tư duy đơn giản là có quặng sắt, có đầy đủ các yếu tố để phát triển nên phải đầu tư, phải bảo hộ để nó phát triển bất chấp Việt Nam đã cam kết mở cửa, thì chúng ta nên chấp nhận cuộc chơi mang tên “hội nhập” (đồng nghĩa với việc phải cho thép ngoại tự do cạnh tranh với thép nội). Nghĩa là hãy để cho các chủ thể của thị trường tự tính toán bài toán chi phí và lợi ích trong ngành thép mà không có sự trợ giúp đặc biệt của Nhà nước. Nhà nước không nên đưa ra những biện pháp trợ giá ngầm như hạ giá thuê đất, ưu đãi đặc biệt về thuế, phí, và bảo vệ môi trường, hay giữ giá điện thấp hơn giá bán cho các ngành khác, hoặc thấp hơn giá thành... để khuyến khích đầu tư vào ngành thép.

Phan Minh Châu