'Nên làm quen với biến động tỷ giá, chính sách tiền tệ sẽ có rất nhiều dư địa sau khi Fed dừng thắt chặt'
Tại tọa đàm "Chủ động đón vận hội mới" tổ chức ngày 14/9, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital nói về vấn đề tỷ giá gần đây có ảnh hưởng đến việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế.
Theo ông Tuấn, khi bàn về tỷ giá, cần lưu ý đến chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thống và thị trường "chợ đen". Nếu chênh lệch này lớn đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trong nước bắt đầu đầu cơ USD. Điều này sẽ ảnh hưởng tỷ giá. Năm 2022, có giai đoạn độ chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng rất cao, khoảng 2-4%, tuy nhiên gần đây đã ổn định hơn.
Đại diện Dragon Capital cũng cho rằng những biến động gần đây của tỷ giá không đáng lo ngại. "Tỷ giá gần đây có những biến động nhỏ, tôi thấy đó là việc rất bình thường. Chênh lệch giữa lãi suất của Việt Nam và Mỹ, những nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp tạo ra những biến động này. Tuy nhiên biến động trong biên độ +/-1% là chuyện bình thường và chúng ta nên làm quen với điều đó", ông nói.
Ông cũng nhận định dòng tiền USD vào Việt Nam hiện tương đối tốt, thể hiện qua cán cân thương mại từng quý đang rất cao. Ngoài ra sai số trong cán cân thanh toán không còn cao.
"Từ tháng 6 trở đi, vấn đề tỷ giá đã không còn quá lo ngại do biến động tỷ giá chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tương đối cao. Đợi đến khi Mỹ không thắt chặt chính sách tiền tệ. DYX giảm xuống, Việt Nam sẽ có rất nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ", ông Tuấn nói thêm.
Nói thêm về chính sách tiền tệ, bất chấp giá gạo, giá dầu thế giới tăng rất cao, lạm phát của Việt Nam hiện kiểm soát trong khoảng 3%, dự báo cả năm lạm phát khoảng 3,5-4%, trong mức cho phép để Việt Nam có chính sách tiền tệ hợp lý.
Hiện lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi giảm tương đối nhiều, dự báo còn tiếp tục đi xuống. Lãi suất cho vay chỉ còn cách khoảng 1-1,5% so với giai đoạn COVID và đã giảm 3-4% so với mức đỉnh của 2022. Trong khi đó lãi suất tiền gửi chỉ còn cách đáy của giai đoạn COVID 1-1,2%.
Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital cũng đề cập đến việc thanh khoản nền kinh tế chưa tốt khi tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền ở mức thấp.
"Tăng trưởng cung tiền có thời điểm 2022 chỉ ở mức rất thấp 3-4%, trong khi trung bình 10-12 năm qua ở mức 13-15%. Hiện tăng trưởng cung tiền đã tạo đáy và đi lên tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với bình quân trong quá khứ. Sự chuyển động tiền vẫn rất chậm", ông bình luận.