Lãi suất huy động đã giảm mạnh, có thể cuối năm hoặc đầu năm 2024 NHNN mới giảm tiếp lãi suất điều hành
Ngày 14/9, Agribank và Vietcombank là hai ông lớn đầu tiên hạ lãi suất tiết kiệm xuống còn 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất cho các kỳ hạn gửi tiền tại các ngân hàng.
Trong tháng 8, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 30-50 điểm cơ bản trong tháng 8, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 50-100 điểm cơ bản.
Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
VDSC dự báo nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới. Lãi suất huy động đã giảm mạnh, cùng với yếu tố lạm phát nguy cơ tăng trở lại, NHNN nhiều khả năng sẽ không giảm lãi suất điều hành trong quý III.
Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng dự báo NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất thay vì cắt giảm thêm do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.
Tuy nhiên, MBKE cho rằng NHNN vẫn sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm. Việc cắt giảm lãi suất huy động nhằm mục đích giảm chi phí vốn của các ngân hàng để lãi suất cho vay có thể giảm bớt hơn nữa nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup nhấn mạnh dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. "Sau giai đoạn tăng mạnh lãi suất vào tháng 5, tháng 6/2022, hiện lãi suất tất cả các kỳ hạn ở thị trường 1 và thị trường 2 đều tiệm cận vùng trước khi tăng suất. Không gian hạ lãi suất không còn nhiều và dự báo chỉ còn 1-2 đợt giảm lãi suất nữa", ông nói.
CEO của WiGroup cũng lưu ý "thời điểm nhà điều hành thay đổi chính sách". Theo ông, cần quan sát thời điểm khi chính sách bắt đầu thẩm thấu thực vào nền kinh tế, thì chính sách sẽ thay đổi.
Còn theo dự báo của ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lãi suất tiền gửi đã giảm kể từ tháng 6, lãi vay sẽ giảm bắt đầu từ quý III trở đi, điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Nếu NHNN ban hành mức giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, dự báo 4 ngân hàng TMCP Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống 6%/năm hoặc thấp hơn.
Theo chuyên gia, các động thái từ Fed và dữ liệu kinh tế Mỹ là điều cần quan tâm lúc này.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng vừa được công bố hôm qua. Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI) tháng 8 của Mỹ đi lên 0,3% so với tháng trước, đánh dấu lần tăng tốc đầu tiên trong vòng 6 tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi đi lên 4,3%, vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed dù đây là mức tăng thấp nhất trong gần hai năm.
Các chuyên gia và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, nguy cơ về một đợt tăng lãi suất khác trong hai tháng cuối năm đã đi lên sau khi báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát lõi đã tăng tốc trong tháng 8.
Trong trường hợp Fed vẫn mạnh tay tăng lãi suất, NHNN có thể sẽ thận trọng hơn, trì hoãn việc cắt giảm lãi suất điều hành đến đầu năm 2024.