|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT F0 khoe lãi bằng lần, nhiều quỹ nghìn tỷ chật vật để chiến thắng VN-Index nhưng vẫn thua VN30

10:08 | 28/08/2021
Chia sẻ
Thống kê cho thấy các quỹ ETF nội đang có tỷ suất lợi nhuận vượt trội hơn so với nhiều quỹ lớn trên thị trường như VEIL của Dragon Capital hay VOF của VinaCapital. Trong nhóm quỹ chủ động, Pyn Elite Fund có kết quả đầu tư tồi tệ nhất.

Trong năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm sâu quý đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau đó phục hồi nhanh chóng và tăng điểm mạnh về cuối năm. Diễn biến tích cực của thị trường đã đem lại "quả ngọt" cho các quỹ đầu tư sau năm 2018 và 2019 không mấy khởi sắc.

Sang năm 2021, đà tăng được duy trì nhờ lượng tiền lớn từ dân chúng đổ vào thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh và thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới. Hệ quả là, các quỹ đầu tư báo lãi lớn trong những tháng đầu năm. 

Trái với hiện tượng khoe lãi bằng lần của những nhà đầu tư F0, kết quả đầu tư của các quỹ quy mô nghìn tỷ lại có sự phân hóa mạnh trong hoạt động đầu tư. Không phải quỹ nào cũng đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng. 

Điều này để nói rằng dù thị trường nổi sóng, song việc đầu tư không mấy dễ dàng nếu danh mục không nắm giữ nhóm ngành tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay như ngân hàng, chứng khoán, thép, cảng biển, phân bón... 

Các quỹ đầu tư đang lãi bao nhiêu kể từ đầu năm? - Ảnh 1.

Tỷ suất lợi nhuận đầu tư 7 tháng của các quỹ trên TTCK Việt Nam. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

ETF nội hiệu suất vượt trội các ETF ngoại

Theo quan sát, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội đang có hiệu suất vượt trội so với các ETF ngoại và các quỹ chủ động (quỹ đóng) trên thị trường.

Ước tính trong 7 tháng đầu năm, hiệu suất của SSIAM VNFIN LEAD ETF dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận trên toàn thị trường với hơn 54%. Thời điểm cuối tháng 6, trước nhịp điều chỉnh sâu của TTCK Việt Nam, hiệu suất của ETF còn vượt 68%. SSIAM VNFIN LEAD ETF là quỹ mô phỏng theo danh mục của rổ chỉ số VNFin Lead gồm các mã nhóm ngân hàng và chứng khoán. Quy mô danh mục đến cuối tháng 7 của quỹ đạt gần 117 triệu USD.

Đứng thứ hai về tỷ suất lợi nhuận đầu tư là một ETF nội khác là VFMVN Diamond ETF với 49,3%. Đây là quỹ mô phỏng theo rổ chỉ số VN Diamond. Hiện đây là ETF nội có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Cập nhật tại ngày 28/8, giá trị tài sản ròng của VFMVN Diamond ETF khoảng 558 triệu USD.

Cùng với hai quỹ thụ động trên, hai ETF nội khác cũng ghi nhận tỷ suất lợi nhuận đầu tư vượt trội so với thị trường chung là VFMVN30 ETF và SSIAM VN30 ETF. Nếu như VN-Index tăng 18,68% trong 7 tháng đầu năm, hiệu suất của VFMVN30 ETF và SSIAM VN30 ETF trên là 35,4% và 36,5%.

Trong khi các ETF nội đạt được tỷ suất lợi nhuận vượt trội, các ETF ngoại lại ghi nhận kết quả kém sắc. Thống kê các quỹ có quy mô trên 100 triệu USD cho thấy ba ETF ngoại có hiệu suất thấp hơn so với mức tăng của VN-Index gồm VNM ETF (10,57%), iShares MSCI Frontier 100 ETF (14,96%) và FTSE ETF (18,63%).

Hai quỹ tỷ USD của Dragon Capital, VinaCapital có hiệu suất thấp hơn VN30-Index

Còn với các quỹ chủ động trên thị trường, một số quỹ đầu tư có tỷ suất lợi nhuận vượt mức tăng so với thị trường chung, nhưng có những đơn vị có kết quả kém hơn hiệu suất của VN-Index. Theo thống kê, quỹ thành viên của Dragon Capital - Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) dẫn đầu với tỷ suất lợi nhuận 43,85%.

Hai quỹ theo trường phái đầu tư giá trị là Vietnam Holding và Lumen Vietnam Fund đạt hiệu suất lần lượt là 40% và 38,36% trong 7 tháng đầu năm, gấp đôi mức tăng VN-Index.

Trong khi đó, các quỹ có quy mô lớn nhất trên thị trường như Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), CTBC Vietnam Equity Fund do Dragon Capital quản lý, hay VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) do Dragon Capital quản lý, JPMorgan Vietnam Opportunities có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với mức tăng của VN-Index nhưng lại kém hơn so với tỷ lệ tăng của chỉ số VN30.

Qua 7 tháng đầu tư, hiệu suất của hai quỹ tỷ USD là VEIL và VOF đạt 34% và 24%. Trong khi, CTBC Vietnam Equity Fund và JPMorgan Vietnam Opportunities có tỷ suất lợi nhuận là 26,48% và 23,8%.

Đáng buồn nhất về kết quả đầu tư trong những tháng đầu năm có lẽ là Pyn Elite Fund. Trong số các quỹ đóng có quy mô trên 100 triệu USD, đây là quỹ đầu tư có kết quả tồi tệ nhất. Sau 7 tháng, tỷ suất lợi nhuận của Pyn chỉ đạt 16,63%, thấp hơn với mức tăng của thị trường chung.

Lợi Hoàng