|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân và tổ chức trong nước mua bán mạnh nhất mã nào khi VN-Index tăng hơn 100 điểm trong tháng 7?

18:40 | 01/08/2023
Chia sẻ
Trong tháng 7, nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng bán ròng 1.116 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch cùng chiều, tổ chức trong nước xả ròng 1.364 tỷ đồng.

VN-Index khép lại tháng 7 đầy hứng khởi với nhịp tăng 102,72 điểm, tương đương tăng gần 9,2% so với tháng trước, dừng chân ở mốc 1.223 điểm. Sắc xanh của VN-Index đã góp phần giúp hiệu suất thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 21,4% so với đầu năm, vượt qua nhiều thị trường chứng khoán lớn khác như Mỹ (tăng 19,3%), Hàn Quốc (+17,7%) và chỉ xếp sau Nhật Bản với mức tăng 27,1% so với đầu năm.

Theo Chứng khoán VNDirect, đà tăng vượt trội của chứng khoán Việt Nam đến từ niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trở lại và sự kỳ vọng về các chính sách tài khóa, tiền tệ của chính phủ được triển khai mạnh mẽ, sẽ khiến triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trở nên rõ rệt hơn trong thời gian tới.

Giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt 18.397 tỷ đồng/phiên, tăng 8% so với tháng trước. Thanh khoản cải thiện tháng thứ tư liên tiếp do niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố nhờ lãi suất tiếp tục giảm giúp giảm chi phí cơ hội, chi phí vốn khi đầu tư chứng khoán, bên cạnh đó lãi suất giảm và một loạt chính sách tài khóa được ban hành (gồm giảm thuế VAT 2%, giảm thuế trước bạ ô tô, đẩy mạnh đầu tư công,…) giúp cải thiện triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

NĐT cá nhân tập trung bán ròng nhóm thép, bất động sản

Trong tháng 7, nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng bán ròng 1.116 tỷ đồng trên HOSE và rút ròng khớp lệnh 1.526 tỷ đồng.

Thống kê từ Fiintrade cho thấy, cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với 13/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị 2.011 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thép có tỷ trọng giá trị giao dịch giảm từ 8,18% về 7,38% toàn thị trường trong khi chỉ số giá ngành tăng 6,8% trong tháng.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 948 tỷ đồng ở nhóm bất động sản và 663 tỷ đồng cổ phiếu thực phẩm & đồ uống, 588 tỷ đồng nhóm hóa chất trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như dịch vụ tài chính (465 tỷ đồng), công nghệ thông tin (180 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (153 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 2.570 tỷ đồng. Dòng tiền cá nhân đẩy mạnh mua ròng “cổ phiếu vua” trong bối cảnh nhóm này có nhịp tăng 6,9% trong tháng 7. Tương tự, nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt cũng được gom ròng với giá trị 520 tỷ đồng.

Bên cạnh hai lĩnh vực trên, giao dịch mua ròng còn được chứng kiến tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như dầu khí (463 tỷ đồng), bán lẻ (152 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của nhóm thép với 1.268 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị xả ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.

Một cổ phiếu khác thuộc nhóm thép cũng nằm trong top bán ròng là HSG (628 tỷ đồng).

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, VHM và SSI cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là 908 tỷ đồng và 694 tỷ đồng. Kế đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng nằm trong danh mục rút vốn là VNM (389 tỷ đồng), KDH (321 tỷ đồng), MSN (274 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cá nhân trong nước chuyển hướng mua ròng mạnh nhất cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam với quy mô gần 1.230 tỷ đồng. Cùng thuộc nhóm ngân hàng, STB, CTG, TCB nằm trong danh mục giải ngân với giá trị 350 – 890 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng hơn 1.360 tỷ đồng, tập trung xả TCB, BCG

Giao dịch đồng thuận với các NĐT cá nhân, tổ chức trong nước xả ròng 1.364 tỷ đồng trong tháng vừa qua, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 77 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm ngân hàng với 799 tỷ đồng. Theo sau, danh mục rút ròng được chứng kiến ở các cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp (344 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (252 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (244 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước dàn trải ở các ngành tài nguyên cơ bản (738 tỷ đồng), hóa chất (529 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu HSG với 377 tỷ đồng. Việc tổ chức nội cùng khối ngoại mua ròng cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng hơn 17% trong tháng vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các NĐT cá nhân.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như HPG (364 tỷ đồng), DGC (192 tỷ đồng), VHM (177 tỷ đồng), GVR (154 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu TCB đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 314 tỷ đồng. Cùng thuộc nhóm ngân hàng, CTG cũng nằm trong top rút ròng với 190 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có BCG (249 tỷ đồng), PLX (183 tỷ đồng), VNM (167 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi