|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân tiếp tục mua vào hơn 1.000 tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.300 điểm

16:02 | 30/05/2021
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch (24 – 28/5), nhà đầu tư cá nhân tiếp đà mua ròng hơn 1.076 tỷ đồng với tâm điểm dòng tiền tập trung tại ngành ngân hàng và tài nguyên cơ bản (thép).

Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5 khép lại với một phiên khớp lệnh kỷ lục. Chốt phiên 28/5, VN-Index tăng 36,53 điểm lên 1.320,46 điểm, tăng 2,85% so với cuối tuần trước đó. Tích cực hơn, HNX-Index và UPCoM-Index ghi nhận mức tăng lần lượt 4,18% và 5,49%.

Tâm điểm giao dịch trong tuần này là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, với 8/10 mã có ảnh hưởng tích cực đến đà tăng của VN-Index. Việc khối ngoại giảm bán ròng và khối tự doanh các công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng trở thành động lực hỗ trợ đà tăng điểm của thị trường tuần này.

Với nhóm đang chiếm phần lớn thanh khoản trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân, khối này mua ròng qua kênh khớp lệnh đạt 1.076 tỷ đồng. Mặc dù duy trì đà mua ròng nhưng dòng tiền mua vào từ các NĐT cá nhân đã giảm gần 72% so với tuần trước đó (3.085,2 tỷ đồng).

Hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân tập trung ở các nhóm ngành tài nguyên cơ bản (1.356 tỷ đồng), bất động sản (408,3 tỷ đồng), ngân hàng (268,4 tỷ đồng). Cả ba nhóm ngày này đều được mua ròng trong tuần thứ ba của tháng 4 (17 - 21/5). Trạng thái đối lập, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng cổ phiếu nhóm dầu khí, thực phẩm - đồ uống với giá trị 293,2 tỷ đồng và 508,4 tỷ đồng.

NĐT cá nhân tiếp tục mua vào hơn 1.000 nghìn tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.300 điểm - Ảnh 1.

Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân trong nước mua/bán ròng nhiều nhất trong tuần 24 - 28/5. Nguồn: Bùi Thảo tổng hợp từ FiinPro.

Thống kê giao dịch cụ thể theo từng cổ phiếu, tâm điểm giao dịch của NĐT cá nhân tuần này là mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát, với giá trị mua ròng khớp lệnh lên tới 1.187,6 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị mua ròng trên 1.000 tỷ trong tuần. Tính từ đầu năm, thị giá mã HPG đã tăng gần 60% về giá trị trong bối cảnh giá thép liên tục tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, nhu cầu thép tăng cao sau dịch bệnh.  

Bên cạnh HPG, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thu hút dòng tiền trong tuần qua với hai đại diện nổi bật là CTG (Vietinbank) và MBB (MBBank) với giá trị mua ròng lần lượt đạt 102,9 và 221,6 tỷ đồng.

Sức nóng của các cổ phiếu ngân hàng được lý giải nhờ những chính sách giãn thời gian trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu, miễn giảm lãi, phí và kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I/2021. Theo SSI Research, dự kiến có 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay và đây là tín hiệu tích cực để duy trì đà tăng trưởng hiện tại.

Ngoài danh mục trên, nhà đầu tư cá nhân cũng tập trung mua ròng một số bluechip khác trong tuần như VIC (177,7 tỷ đồng), FPT (95,8 tỷ đồng), PNJ (61,7 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân rút ròng chủ yếu ở nhóm ngành thực phẩm - đồ uống và dầu khí. Đơn cử như hai ông lớn ngành thực phẩm - đồ uống là VNM (Vinamilk) và MSN (Tập đoàn Masan) đều nằm trong Top bán ròng tuần này. Trong đó giá trị bán ròng cổ phiếu VNM dẫn đầu ở mức 352,5 tỷ đồng. Cổ phiếu MSN bị bán ròng 160,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng tập trung bán ròng tại các cổ phiếu PLX, STB, VRE và VHM. Cùng thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân lại rút khỏi STB (Sacombank) với giá trị bán ròng đạt 241,6 tỷ đồng. 

Như vậy, thống kê giao dịch trong tuần này cho thấy rằng nhà đầu tư cá nhân tiếp tục duy trì trạng thái mua bán đối lập khối ngoại. Kể từ đầu năm đến nay, NĐT cá nhân trong nước đã mua ròng hàng tỷ USD trên TTCK Việt Nam, trở thành lực đầu đối ứng cho lực bán của khối ngoại.

Trong một bài phân tích mới đây của Bloomberg, lý do NĐT cá nhân tích cực giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã được chỉ ra. Theo đó, người dân có rất ít lựa chọn đầu tư, lãi suất lại đang tương đối thấp và dịch vụ môi giới đang phát triển mạnh được coi là những động lực thúc đẩy giao dịch của nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam.

Ông Stephen McKeever - Giám đốc điều hành Khối Khách hàng tổ chức tại Chứng khoán HSC nhận định: "Chúng tôi cho rằng mức độ tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân sẽ được duy trì, miễn là lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn trong xu thế đi xuống".

Thảo Bùi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.