NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng gần 490 tỷ đồng tuần VN-Index vượt mốc 1.165 điểm, tập trung gom STB, VPB, VRE
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch khá tích cực với 4 phiên tăng điểm giúp chỉ số chung liên tục tăng điểm và chỉ chịu áp lực bán trong phiên cuối tuần khi tiếp cận khu vực 1.170.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index mở cửa đầu tuần với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành giúp chỉ số chung bứt phá và vượt thuyết phục vùng đỉnh cũ quanh 1.140. Nhịp tăng điểm tiếp tục được duy trì ở các phiên sau đó nhờ lực cầu tích cực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường hướng lên vùng điểm 1.170.
Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời khá mạnh trong phiên thứ Sáu cuối tuần đã khiến VN-Index phần nào giảm tốc, thu hẹp mức tăng về gần mốc tham chiếu và cuối cùng kết tuần tại 1.168, tăng 30,33 điểm, tương đương tăng 2,67% so với tuần trước.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu bán lẻ và chứng khoán thu hút được dòng tiền tốt nhất với mức tăng lần lượt là 6,3% và 3,65%.
Sự thận trọng của khối ngoại vẫn được ghi nhận trong tuần qua khi họ tiếp tục bán ròng 837 tỷ đồng. Trong khi đó, các nhóm nhà đầu tư còn lại gồm NĐT cá nhân, tự doanh và tổ chức trong nước là các bên mua ròng.
NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng gần 490 tỷ đồng, dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng
Trong tuần giao dịch 10 – 14/7, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 489,5 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 550 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng về bên bán với 10/18 nhóm ngành bị rút ròng.mGiao dịch bên bán tập trung ở nhóm dịch vụ tài chính với quy mô 402 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm tài nguyên cơ bản, thực phẩm & đồ uống với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Bên phía mua ròng, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 1.093 tỷ đồng, tiếp tục là giá trị lớn nhất trong tuần. Cổ phiếu của các nhà băng có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh lên 17,83% toàn thị trường, là mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá tăng 1,41% cho thấy nhóm này tiếp tục có cầu tăng, giá tăng.
Nhóm ngân hàng có độ phân hóa cao trong vòng một tháng trở lại đây, các cổ phiếu tăng mạnh có NAB (+16,4%), SSB (+10,7%); SHB (+9,2%); MBB (+8,6%); BID (+6,3%) trong khi NVB (-10,1%); VAB (-9,5%); KLB (-4,5%); SGB (-5%); BVB (-4%), trong khi VPB, HDB, ACB, TPB không tăng hoặc tăng rất ít.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (237 tỷ đồng), dầu khí (196 tỷ đồng), hóa chất (81 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (77 tỷ đồng), …
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, mã STB của Sacombank ghi nhận giá trị vào ròng trên 489 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của tự doanh và khối ngoại.
Theo quan sát, STB có phiên giao dịch bùng nổ ngày thứ Sáu với thanh khoản lên đến gần 75 triệu cổ phiếu trao tay, giá có lúc giảm sàn nhưng chốt phiên chỉ còn giảm 3,33%, cầu giá thấp vẫn rất dồi dào.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến VPB của VPBank với giá trị 302 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như VRE (277 tỷ đồng), DGC (237 tỷ đồng), PVD (109 tỷ đồng), NVL (100 tỷ đồng), ….
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở SSI với 406 tỷ đồng. Kế đó, NĐT cá nhân bán ròng gần 176 tỷ đồng mã HPG sau 4 tuần mã này dẫn đầu danh mục rút vốn của nhóm này.
Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng các cổ phiếu như VHM (153 tỷ đồng), HSG (140 tỷ đồng), VNM (139 tỷ đồng), MSN (129 tỷ đồng), KBC (109 tỷ đồng), GEX (88 tỷ đồng), GVR (76 tỷ đồng), FPT (68 tỷ đồng).
Tổ chức nội chuyển hướng mua ròng nhẹ tuần VN-Index vượt 1.165 điểm
Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội quay đầu mua ròng 85 tỷ đồng, tuy nhiên nếu tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 433 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 ngành, giá trị lớn nhất là ngân hàng với 162 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp (73 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (40 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu dịch vụ tài chính và tài nguyên cơ bản với quy mô vào ròng lần lượt là 112 tỷ và 107 tỷ đồng, kế đó là hóa chất (71 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (54 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (45 tỷ đồng), …
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Mã này ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 133 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 76 tỷ đồng mã VNM.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng VCI (66 tỷ đồng), VHM (57 tỷ đồng), GVR (55 tỷ đồng), …
Ở phía đối diện, cổ phiếu VPB của VPBank bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 89 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bộ đôi cổ phiếu ngân hàng CTG và TCB của cũng bị bán ròng lần lượt 64 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Danh mục top 5 rút ròng cũng có sự góp mặt của NVL (59 tỷ đồng) và GEX (55 tỷ đồng).