|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân duy trì bán ròng gần 580 tỷ đồng, xả HDB đối ứng với lực cầu của khối ngoại

13:00 | 13/08/2022
Chia sẻ
Mặc dù đà hồi phục của chỉ số chính vẫn được bảo lưu, NĐT cá nhân nối dài chuỗi bán ròng sang tuần thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị 576 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 467 tỷ đồng.

VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch rung lắc, tích lũy quanh khu vực 1.240 - 1.260 kèm theo sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. 

Về diễn biễn cụ thể, VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm từ đầu tuần và chạm mốc cao nhất tuần tại 1.267 vào phiên ngày 11/8 sau khi Mỹ công bố CPI hạ nhiệt xuống mức 8,5%. Tuy nhiên, việc thanh khoản có phần sụt giảm vào những phiên cuối tuần cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều sau chuỗi phiên tăng điểm của thị trường.

Tính chung cả tuần, VN-Index tiếp tục giữ được sắc xanh với mức tăng 9,59 điểm tương đương với 0,77% so với tuần trước. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 15.583 tỷ đồng, giảm 6,27% so với tuần trước đó và tăng 23,3% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí, thép, điện là những nhóm có mức tăng tốt nhất xấp xỉ 3% đóng góp tích cực cho VN-Index.

Mặc dù đà hồi phục của chỉ số chính vẫn được bảo lưu, NĐT cá nhân nối dài chuỗi bán ròng sang tuần thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị 576 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 467 tỷ đồng.

  Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Cá nhân trong nước chủ yếu rót ròng nhóm ngân hàng, bất động sản

Thống kê giao dịch khớp lệnh tại HOSE, xu hướng rút ròng của các cá nhân trong nước được ghi nhận 10/18 nhóm ngành.

Các cổ phiếu "vua" tiếp tục là nhóm bị xả ròng mạnh nhất của các cá nhân trong tuần thứ hai của tháng 8. Điểm tích cực là quy mô xả ròng đã giảm đáng kể từ mức 839 tỷ đồng tuần trước còn 376 tỷ đồng tuần này.

Bên cạnh đó, phần lớn lực xả cũng tập trung tại hai nhóm dịch vụ tài chính và điện, nước, xăng dầu khí đốt với giá trị lần lượt là 231 tỷ và 91 tỷ đồng.

Nối tiếp, các cá nhân trong nước lần lượt bán ròng nhẹ hơn các cổ phiếu ngành bất động sản (71 tỷ đồng), dầu khí (70 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (42 tỷ đồng), bán lẻ (18 tỷ đồng).

  Nguồn: Thu Thảo tổng hợp 


Chiều ngược lại, giao dịch gom mua nhiều nhất lại xuất hiện ở các cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản với giá trị 123 tỷ đồng. Trong xu hướng hồi phục mạnh mẽ của thị trường chung, ngành thép có mức tăng điểm đứng thứ 3 với tỷ lệ 2,32%. Trong đó, một số cổ phiếu nhóm này như HSG và NKG lọt top giao dịch mạnh nhất trong nhóm vốn hóa vừa.

Một nhóm ngành kinh doanh khác cũng được gom ròng trên trăm tỷ đồng là xây dựng & vật liệu (111 tỷ đồng). Cổ phiếu xây dựng & vật liệu có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 8,51% toàn thị trường, mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 2,73%, tăng mạnh thứ 2 toàn thị trường trong tuần.

Thống kê cho thấy, nhóm xây dựng và vật liệu tuy phục hồi mạnh trong tuần nhưng vẫn giảm 23,89% từ đầu năm đến nay. Dòng tiền tập trung vào các mã VGC, CII, HBC, HUT, VCG, PC1, LCG, DPG, CTD, FCN. Nhóm này có sự phân hóa mạnh, VGC, CII, HBC, LCG tăng điểm trong tuần trong khi nhóm còn lại giảm điểm nhẹ.

Ngoài ra, lực cầu mua gom với quy mô tương đối khiêm tốn hơn được ghi nhận ở một số nhóm ngành, lần lượt là hàng cá nhân & gia dụng (68 tỷ đồng), hóa chất (64 tỷ đồng), du lịch & giải trí (31 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (24 tỷ đồng),...

HDB là tâm điểm bán ròng đối ứng với lực cầu của khối ngoại

Xét giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu HDB dẫn đầu về giá trị bán ròng toàn thị trường với 151,9 tỷ đồng. Đối lập với nhà đầu tư nội, mã này là tâm điểm thu hút dòng vốn ngoại trong tuần qua với 156,6 tỷ đồng. Theo đó, lực xả từ các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực cầu nước ngoài.

Diễn biến cùng chiều, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect bị bán ròng 145,2 tỷ đồng. 

Là một trong những nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần qua, 3 đại diện khác của nhóm tài chính, ngân hàng cùng góp mặt trong danh mục xả ròng của các cá nhân là VPB (86,7 tỷ đồng), CTG (70,6 tỷ đồng), SSI (69,5 tỷ đồng).

Kế đó, giao dịch rút vốn mạnh cũng xuất hiện tại nhóm dầu khí và bất động sản, điển hình như PVD (113,6 tỷ đồng), NVL (98,6 tỷ đồng), NLG (88,8 tỷ đồng), VRE (48 tỷ đồng), GAS (47,8 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Chiều ngược lại, mặc dù bán ròng nhiều cổ phiếu bluechips, nhà đầu tư cá nhân lại rót ròng hơn trăm tỷ đồng vào mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Dòng tiền tích cực nhập cuộc khi thị giá HPG tiếp tục có nhịp hồi phục gần 2,8% so với tuần trước đó.

Kế đó, DXG và VNM lần được được mua ròng với giá trị 52,4 tỷ và 51,9 tỷ đồng. TCB của Techcombank là cái tên hiếm hoi của nhóm ngân hàng góp mặt trong danh mục gom ròng với quy mô 49,2 tỷ đồng.

Với tâm lý thận trọng, nhà đầu tư cá nhân theo sau chỉ gom ròng nhẹ hơn ở danh mục gồm VGC (46,8 tỷ đồng), DGC (45,8 tỷ đồng), PLX (43,5 tỷ đồng), VCI (41,4 tỷ đồng), KBC (41 tỷ đồng) và VJC (40,8 tỷ đồng).

Thu Thảo