|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại thu hẹp quy mô giải ngân tuần VN-Index vượt mốc 1.260, HDB là tâm điểm mua ròng

09:00 | 13/08/2022
Chia sẻ
Bất chấp tín hiệu khởi sắc từ thị trường, khối ngoại thu hẹp quy mô giải ngân trong tuần với việc mua ròng nhẹ với giá trị gần 96 tỷ đồng. Tuần trước đó, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 1.440 tỷ đồng.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư xuất hiện khi VN-Index vượt lên vùng 1.260, chỉ số đã giao dịch trong trạng thái giằng co khi chạm đến ngưỡng này vào các phiên ngày 9 và 10/8. Phiên 11/8 đã xuất hiện diễn biến làm khá nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi VN-Index bứt phá đầu phiên, tiệm cận 1.270 nhưng sau đó áp lực chốt lời đã đẩy chỉ số về sát ngưỡng 1.250 vào cuối phiên.

Về hỗ trợ, VN-Index hồi phục trong phiên cuối tuần để chốt tuần trong sắc xanh với mức tăng 9,59 điểm, tương đương 0,77% lên mức 1.262,33.

Thống kê cho thấy, GAS với mức tăng 4,5% là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến đà tăng của VN-Index trong tuần và giúp chỉ số có thêm 2,4 điểm. Hai vị trí kế cận là MSN và HPG với mức cùng mức đóng góp 1 điểm. Ngoài ra, trong Top10 xuất hiện một cổ phiếu không thuộc nhóm VN30 là VGC. Với mức tăng mạnh 12,9% trong tuần, cổ phiếu của Tổng Công ty Viglacera đã đóng góp 0,9 điểm cho VN-Index và đứng thứ 4.

Bất chấp tín hiệu khởi sắc từ thị trường, khối ngoại thu hẹp quy mô giải ngân trong tuần với việc mua ròng nhẹ gần 96 tỷ đồng. Tuần trước đó, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 1.440 tỷ đồng.

Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, NĐT nước ngoài chuyển bán ròng 11 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm thực phẩm & đồ uống, xây dựng & vật liệu, tài nguyên cơ bản,... Chiều ngược lại, cổ phiếu dòng chứng khoán, ngân hàng trở thành tâm điểm hút tiền.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tâm điểm mua ròng cổ phiếu HDB và cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng 

Tại thị trường cổ phiếu, mã HDB của HDBank dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 156,6 tỷ đồng. Kế đó, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI cũng được khối ngoại gom ròng hơn 95,1 tỷ đồng.

Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như VND (67,1 tỷ đồng), CTG (67 tỷ đồng), STB (4,1,8 tỷ đồng). Nằm ngoài Top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có VCB, BID,...

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn nhóm bất động sản như NLG (76,6 tỷ đồng), NVL (46,1 tỷ đồng).

Liên quan đến giao dịch chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 và FUESSVFL có mặt trong danh mục mua ròng với giá trị lần lượt là 108,1 tỷ và 83,3 tỷ đồng.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

 

Ở chiều bán ra, mã VNM dẫn đầu với quy mô 213,5 tỷ đồng. Theo dõi giao dịch cho thấy rằng dòng tiền ngoại còn rút ra ở loạt bluechip như HPG (83,1 tỷ đồng), VJC (54,9 tỷ đồng), VHM (41,2 tỷ đồng).

Không còn được gom mạnh giai đoạn trước đó, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang liên tục bị xả trong vài tuần gần đây. Tuần qua mã này bị rút ròng với giá trị 42,3 tỷ đồng. Cùng chiều, giao dịch rút vốn còn xuất hiện ở KBC (51,9 tỷ đồng), DXG (47,3 tỷ đồng), VCI (45,1 tỷ đồng), LHG (33,7 tỷ đồng).

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND cũng bị bán ròng với giá trị 34,7 tỷ đồng.

Khối ngoại trở lại gom ròng PVS, SHS sau tuần rút vốn trước đó

Tương tự xu hướng giao dịch trên HOSE, khối ngoại đảo chiều mua ròng gần 101,2 tỷ đồng trên HNX. Giá trị mua vào và bán ra lần lượt là 138,46  tỷ đồng và 37,28 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) bất ngờ trở thành tâm điểm mua ròng với gần 51,5 tỷ đồng sau tuần xả mạnh trước đó. Bên cạnh đó, SHS và IDC lần lượt được gom ròng với giá trị 38,4 tỷ và 19,6 tỷ đồng. Những mã khác trên HNX được mua ròng dưới 5 tỷ đồng gồm PVI, TNG, THD, VIG, PVG, NBC,...

Ở chiều bán ra, các cổ phiếu đều ghi nhận lực bán thấp hơn 20 tỷ đồng. Mã VCS bị rút ròng mạnh nhất với 15,4 tỷ đồng, theo sau là NVB (2,1 tỷ đồng), DP3 (819 triệu đồng),....

   Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Lực xả trên UPCoM tập trung vào BSR và QNS

Ngược chiều sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng hơn 117 tỷ đồng trên thị trường UPCoM với chiều mua (50,55 tỷ đồng) và bán (167,75 tỷ đồng). Lũy kế kể từ đầu năm đến phiên 12/8, dòng tiền ngoại đổ vào thị trường này đạt 986 tỷ đồng.

Theo quan sát, mã BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị bán ròng hơn 82 tỷ đồng, đứng sau là QNS (56,5 tỷ đồng). Những mã còn lại lần lượt bị rút vốn là VCR (1,7 tỷ đồng), MCH (846 triệu đồng), BTD (650 triệu đồng)

Trong khi đó, khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời (7,8 tỷ đồng). Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã VEA (7,5 tỷ đồng), MPC (3,5 tỷ đồng), CSI (1,9 tỷ đồng), AAS (1,7 tỷ đồng).

Mặc dù quy mô giải ngân đã giảm đáng kể so với các tuần trước đó, việc khối ngoại liên tục mua ròng trờ lại cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất và chi phí vốn cao hơn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời áp lực lạm phát hiện hữu vẫn sẽ là các yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm trong giai đoạn này.

   Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo