|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân bán ròng hơn 770 tỷ đồng trên HOSE trong tháng VN-Index hồi phục mạnh mẽ, tâm điểm SSI, VNM

10:00 | 06/09/2022
Chia sẻ
Giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân nhuốm màu ảm đạm trong tháng vừa qua khi họ bán ròng trở lại 772 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng là 2.651 tỷ đồng.

VN-Index tăng 74,18 điểm tương đương 6,15% trong tháng 8 kết thúc tháng ở mức 1.280,51 điểm, thanh khoản tăng 48,18% so với tháng trước, cao nhất trong vòng 4 tháng liên tiếp, nhưng vẫn giảm 9% so với thanh khoản trung bình cả năm.

Dòng tiền vào cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 tăng và giảm ở nhóm vốn hóa vừa VNMid và nhỏ VNSmall, tuy nhiên tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm VNMid vẫn lớn nhất.

Trong đó, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm chứng khoán, dầu khí, tài nguyên cơ bản giảm vào nhóm ngân hàng, hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp.

Giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân nhuốm màu ảm đạm trong tháng vừa qua khi họ bán ròng trở lại 772 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng là 2.651 tỷ đồng.

Dòng tiền cá nhân rút mạnh khỏi nhóm ngân hàng, chứng khoán 

Theo thống kê giao dịch khớp lệnh tại HOSE, nhóm này mua ròng tại 8/18 nhóm ngành. Trong đó, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm hàng cá nhân & gia dụng với gần 490 tỷ đồng, Điều đó cho thấy sức hút của ngành này đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này trong bối cảnh chỉ số ngành tăng nhẹ 0,25%. Tuy nhiên tính từ đầu năm cổ phiếu ngành hàng cá nhân & gia dụng vẫn giảm hơn 9%.

Theo sau, lực cầu của cá nhân trong nước tìm đến các ngành hóa chất và bán lẻ với giá trị 443 tỷ và 390 tỷ đồng.

Thống kê của FiinTrade chỉ ra nhóm bán lẻ tăng mạnh nhất thị trường trong tháng 8, tăng 18,62% sau khi giảm 13,99% trong tháng 7. Đây là một trong 3 ngành cấp 2 tăng điểm tính từ đầu năm, tăng 5,23% đứng sau nhóm công nghệ thông tin tăng 5,61% và trên nhóm điện nước xăng dầu khí đốt tăng 0,78%.

Trong nhóm này dòng tiền tập trung vào MWG, DGW, FRT, PET, toàn bộ các mã thuộc nhóm này tăng trên 20% trong tháng vừa qua.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân chưa dừng bán ròng cổ phiếu của các nhà băng. Nhóm này bị xả ròng 1.836 tỷ đồng, quy mô tương đương so với tuần trước đó.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch giảm từ 14,94% xuống 12,74% so với tháng trước, chỉ số dòng tiền đã tăng vào nhóm này tháng thứ 2 liên tiếp với tỷ lệ 6,13%.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 1.111 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống, trước khi rút ròng nhẹ hơn khỏi lần lượt một số ngành như dịch vụ tài chính (636 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (394 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (330 tỷ đồng), dầu khí (224 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (162 tỷ đồng).

NĐT cá nhân tập trung xả SSI cùng loạt cổ phiếu ngân hàng 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất lại được ghi nhận tại đại diện SSI của nhóm chứng khoán với 605,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của tổ chức nội và NĐT nước ngoài, SSI tăng giá 12,4%.

Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu Chứng khoán SSI, VNM của Vinamilk cũng chịu lực xả ròng hơn 595 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Tương tự loạt mã ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng, bao gồm VPB (550,6 tỷ đồng), HDB (355,8 tỷ đồng), CTG (312,8 tỷ đồng), VCB (223 tỷ đồng).

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của PVD (520,4 tỷ đồng), MSN (417,1 tỷ đồng), VND (277,9 tỷ đồng), HPG (255,9 tỷ đồng).

  Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 413 tỷ đồng cổ phiếu KBC, trái ngược so với lực xả gần 500 tỷ đồng của khối ngoại.

Tương tự, hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở các mã MWG và DGC với giá trị lần lượt là 400,9 tỷ và 346,2 tỷ đồng.

Cùng chiều, dòng vốn cá nhân gom nhẹ hơn mã TLG (344,8 tỷ đồng) TCB (337,3 tỷ đồng), đồng thời nhóm này mua ròng dưới 300 tỷ đồng các cổ phiếu PLX, VIC, HCM, VGC, VJC. Thống kê cho thấy TCB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nằm trong danh mục xuống tiền của các cá nhân trong nước.

Thu Thảo